Luật Sĩ quan được Quốc hội khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ sáu ngày 21/12/1999, có hiệu lực từ 1/4/2000, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2008, 2014.
Trong điều kiện phát triển của đất nước hiện nay, một số nội dung của Luật Sĩ quan cũng đã bộc lộ khó khăn, vướng mắc, bất cập, không còn phù hợp xu thế phát triển của kinh tế, xã hội và các văn bản pháp luật liên quan, tác động trực tiếp đến quyền lợi, cuộc sống của cán bộ, sĩ quan.
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện luật. Như Luật Sĩ quan chỉ quy định chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương với cấp trưởng, không quy định đối với cấp phó; nên việc xác định chức vụ, chức danh tương đương với cấp phó sĩ quan và sĩ quan không giữ chức vụ chỉ huy, quản lý gặp khó khăn. Mặt khác, chức vụ, chức danh lãnh đạo, chỉ huy, quản lý còn được quy định nhiều văn bản khác nhau nên việc triển khai chưa thống nhất, nhất là việc áp dụng chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo với sĩ quan.
Khoản 1 Điều 13 quy định hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan: Cấp úy 46, Thiếu tá 48, Trung tá 51, Thượng tá 54, Đại tá nam 57 (nữ 55) và cấp tướng 60 (nữ 55). Tuy nhiên, theo Luật BHXH, lao động nam tham gia BHXH đủ 35 năm (nữ là 30 năm) mới được hưởng lương hưu tối đa 75%. Vì vậy, sĩ quan cấp trung tá trở xuống hết tuổi phục vụ tại ngũ thì không đủ số năm tham gia BHXH để được hưởng lương hưu tối đa 75%.
Một số lượng lớn sĩ quan quân đội ở cấp phân đội, đại đội, có cấp bậc đến Thiếu tá, có độ tuổi nghỉ hưu là 48 tuổi, một độ tuổi vẫn còn sung sức và tích lũy nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, khi nghỉ hưu ở độ tuổi trên, điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, trở về địa phương gặp khó khi tìm việc làm kiếm thêm thu nhập, bảo đảm cuộc sống cho gia đình.
Cùng với đó, quy định tiền lương của sĩ quan chưa được điều chỉnh kịp thời với mức tăng sinh hoạt, tăng trưởng chung của nền kinh tế, chưa tương xứng tính chất đặc thù của Quân đội là ngành lao động đặc biệt. Quy định trần quân hàm, chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan chưa thống nhất. Một số chế độ, chính sách với sĩ quan tại ngũ, sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ và gia đình sĩ quan chưa được áp dụng thực hiện… Trên cơ sở những bất cập trên, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và các đại biểu đề nghị sửa Luật Sĩ quan để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Tại Hội nghị, đại diện Tổng cục Chính trị đã báo cáo công tác các nội dung chuẩn bị tổng kết Luật Sĩ quan; đề xuất hai phương án: Sửa Luật Sĩ quan và phương án chưa sửa luật.
Phân tích những bất cập trong thực hiện Luật Sĩ quan những năm qua, Đại tướng Phan Văn Giang nhất trí đề nghị của thủ trưởng Bộ Quốc phòng về phương án sửa Luật Sĩ quan. Trong đó tập trung sửa các điều, khoản để giải quyết các nhóm vấn đề còn vướng mắc, bất cập. Phương án sửa luật sẽ luật hóa các chủ trương mới của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống hiện hành, nhất là Nghị quyết 05-NQ/TW ngày 17/1/2022 của Bộ Chính trị về tổ chức QĐND Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo.
Đại tướng Phan Văn Giang đề nghị Tổng cục Chính trị chuẩn bị chu đáo cho tổng kết Luật Sĩ quan bảo đảm đúng thời gian, chất lượng. Các cơ quan liên quan chủ động mọi mặt để sẵn sàng thực hiện các quy trình tiến hành sửa luật.