Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết mô hình “BSGĐ” đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, từ năm 2000, Bộ chính thức công nhận chuyên ngành Y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học gia đình. Hoạt động BSGĐ đã bước đầu được tổ chức tại một số thành phố nhưng còn nhỏ, lẻ, chưa đầy đủ nguyên lý của y học gia đình.
Tính đến tháng 6/2016, đã có 336 phòng khám BSGĐ được thành lập tại 6 tỉnh, thành phố (so với chỉ tiêu đề ra ban đầu là 80 phòng khám). Trong đó có 234 phòng khám BSGĐ công lập gắn với cơ sở khám chữa bệnh thuộc bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế (chiếm 98,33%), đã thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) do các cơ sở khám chữa bệnh này đang được tham gia cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT.
Các phòng khám BSGĐ đã tổ chức hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình, phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám BSGĐ theo mô hình của Bộ Y tế quy định: Thực hiện khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám sàng lọc và bước đầu quản lý sức khỏe cho các cá nhân và gia đình và cộng đồng, hướng tới quản lý toàn diện và liên tục.
Thực tế cho thấy, sau 3 năm triển khai, một số phòng khám BSGĐ đang hoạt động rất tốt, như Phòng khám đa khoa tư nhân Thành Công, phòng khám BSGĐ tại Bệnh viện Quận 2 (TP HCM)…
“Mô hình BSGĐ trước mắt được tích hợp vào hoạt động của các trạm y tế xã phường là hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện, từ đầu, liên tục, gần dân nhất, chăm sóc toàn bộ các thành viên trong gia đình theo nhóm dân cư. Điều đó không có nghĩa là bác sĩ chỉ đến tận nhà dân khám chữa bệnh, mà chỉ là một trong những hoạt động khi bệnh nhân già yếu hoặc không đi lại được. BSGĐ có quyền chuyển tuyến khi cần thiết”, Bộ trưởng Tiến cho biết.
Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Tiến cho rằng, việc triển khai BSGĐ vẫn còn nhiều khó khăn như nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa hấp dẫn tư nhân tham gia thành lập phòng khám BSGĐ, nên các phòng khám BSGĐ tư nhân còn quá ít; người dân còn chưa hiểu về mô hình phòng khám BSGĐ, còn cho rằng BSGĐ là bác sĩ đến nhà thăm khám, chữa bệnh…
Hiện tại, ngành Y tế có hướng triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ giai đoạn 2016-2020 để bảo đảm đến năm 2020 có khoảng 80% các tỉnh, thành triển khai mô hình phòng khám BSGĐ trên phạm vi toàn tỉnh.
Tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, phòng khám BSGĐ là một mô hình hay trên thế giới nhưng việc triển khai thực hiện ở nước ta còn vướng mắc, tiến độ thực hiện còn chậm và chưa tạo được chuyển biến, vì nơi làm tốt nhất thì số trường hợp khám bệnh tại trạm y tế cũng chỉ tăng khoảng 15%. Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: “Mô hình BSGĐ được tích hợp với hoạt động của các trạm y tế xã thì mục đích chưa có gì mới. Trong từng thời kỳ, từng địa phương, hoạt động của trạm y tế xã, phường đã hiệu quả hay chưa?”.
Theo Phó Thủ tướng, vấn đề cần làm hiện nay là tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trạm y tế cơ sở; có mức độ phân biệt rõ ràng giữa các trạm y tế ở nông thôn, đặc biệt là miền núi với trạm y tế ở thành phố. Hiện nay, ở nhiều nơi, trạm y tế xây dựng khang trang nhưng không có bệnh nhân đến khám, còn ở miền núi không có trạm y tế. “Bây giờ còn nơi nào chưa có trạm y tế thì cần phải xây dựng, đừng cứng nhắc rằng cứ mỗi xã một trạm, có những nơi ở miền núi 1 xã cần có nhiều trạm. Vấn đề cần hiện nay là đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.