Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018: "Một Tiền Giang mới đang sẵn sàng bứt phá vươn lên"

(PLO) - “Một Tiền Giang mới đang sẵn sàng bứt phá vươn lên trong làm ăn kinh tế và sẽ trở thành động lực phát triển của toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018 với chủ đề “Tiền Giang: Cơ hội đầu tư - Đồng hành phát triển”.

Thu hút đầu tư phải đi vào thực chất

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết, Tiền Giang đã mời gọi đầu tư vào 19 dự án trên các lĩnh vực: hạ tầng Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu khu nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch, dự án phát triển hạ tầng thương mại với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 16.000 tỷ đồng. Đồng thời, trao quyết định chủ trương đầu, chủ trương nghiên cứu cho 31 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến trên 15.650 tỷ đồng. “Với phương châm thu hút đầu tư phải đi vào thực chất, danh mục dự án đầu tư được giới thiệu tại Hội nghị này là những dự án được tỉnh lựa chọn, xem xét kỹ để đảm bảo tính hiệu quả, khả thi. Đặc biệt, trong mỗi dự án tỉnh đều cung cấp thông tin chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể, giá đất cụ thể để các nhà đầu tư tìm hiểu, tính toán và khi quyết định đầu tư có thể triển khai thực hiện được ngay”, ông Hưởng nói.

Theo định hướng quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Vùng TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang có vai trò là cửa ngõ của vùng TP Hồ Chí Minh với vùng ĐBSCL và vùng sông Mê Kông mở rộng… thông qua các trục giao thông- kinh tế quan trọng như Quốc lộ 1A, QL30, QL 50 (trục giao thông - kinh tế ven biển), QL 60, đường cao tốc TP HCM - Trung Lương và đang được tiếp tục đầu tư đến TP. Cần Thơ… Đây được mệnh danh là “vương quốc trái cây” với diện tích lớn nhất cả nước (trên 73 nghìn ha), đồng thời là nơi tập trung được nguồn lương thực, trái cây và thủy sản phong phú của vùng ĐBDSC.

Bởi vậy, Tiền Giang chú trọng thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ và các mặt hàng nông sản thực phẩm… ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa. Trong du lịch, tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, các điểm du lịch và kết nối tuyến du lịch.

Theo đó, nhiều đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, Tiền Giang cần tập trung giải quyết bài toán đặt ra: Tiền Giang phải làm gì để thu hút được ngày càng nhiều các nhà đầu tư, doanh nghiệp? Những giải pháp khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế để tiếp tục đổi mới, phát triển mạnh mẽ hơn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính bền vững?

Và nắm bắt thời cơ, phát triển mạnh mẽ, hiệu quả

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao kết quả Hội nghị xúc tiến đầu Tiền Giang với hơn 16.000 tỷ đồng được cấp phép đầu tư cho các dự án. Đồng thời, Thủ tướng ghi nhận chính quyền Tiền Giang có nhiều cố gắng thúc đẩy kinh tế phát triển như: PCI tăng 9 bậc; có chủ trương lập các dự án liên kết sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực nông sản; năm 2017 Chủ tịch tỉnh đã có 4 lần đối thoại doanh nghiệp, năm 2018, có 2 lần đối thoại, kịp thời lắng nghe giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. “Nhắc đến Tiền Giang chúng ta thường nghĩ tới cảnh trí mĩ miều nhưng nơi đây còn có vị trí chiến lược đắc địa cho phát triển của Tiền Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung. Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ, Tiền Giang kết nối thuận lợi với TP Hồ Chí Minh, có trục cao tốc Trung lương, 120km bờ biển. Đây cũng là điểm kết nối giao hòa miền Đông và miền Tây. Tiền Giang là mặt tiền của ĐBSCL.”- Thủ tướng nhận định.

“Với điều kiện như vậy, Tiền Giang đã thu hút những nhà đầu tư lớn, có tầm nhìn xa trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, chế biến. Tiền Giang phải đi đầu trong đổi mới, không chỉ để phát triển kinh tế địa phương mà phải trở thành xung lực quan trọng, đầu kinh tế của ĐBSCL.”- Thủ tướng yêu cầu.

Dẫn chứng lịch sử vùng đất Mỹ Tho từ thế kỷ 17 đã là Trung tâm thương mại tấp nập nhất của Nam Bộ, có đường sắt đầu tiên của Đông Dương… Hiện nay, với “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh liên tục tăng cao trong những năm năm gần đây. Năm 2016- 2017, Tiền Giang nằm trong tốp 3 tỉnh tăng trưởng GRDP cao nhất ĐBSCL, bình quân tăng 8,0%/năm. Kết quả này cho thấy một Tiền Giang mới đang bứt phá vươn lên trở thành động lực của ĐBSCL. Thủ tướng đặt ra bài toán đối với chính quyền Tiền Giang là phải phục hưng mảnh đất này phát triển hơn.

Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, Thủ tướng gợi ý: Tiền Giang phải tiếp tục giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt tăng trưởng, tăng cường quỹ đất cho nhà đầu tư, quy hoạch và thực hiện quy hoạch tốt, đối thoại với người dân và doanh nghiệp nhiều hơn. Đồng thời, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, nhất là nguồn vốn ưu đãi vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường liên kết hiệu quả 5 nhà, trong đó có ngân hàng hỗ trợ vốn tốt cho phát triển nông nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà làm tăng chi phí, mất cơ hội của doanh nghiệp. Đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực có kỹ năng cho nhà đầu tư, tái đào tạo lao động.

Dư địa tăng trưởng của Tiền Giang còn rất nhiều, vì vậy Thủ tướng yêu cầu, cùng với nỗ lực của các cấp chính quyền, doanh nghiệp phải đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được cấp phép nắm bắt thời cơ, phát triển mạnh mẽ, hiệu quả.

“Tiền Giang được mệnh danh là “vương quốc trái cây” với diện tích lớn nhất cả nước (trên 73 nghìn ha), đồng thời là nơi tập trung được nguồn lương thực, trái cây và thủy sản phong phú của vùng ĐBSCL, Tiền Giang có thể trở thành chỉ dẫn địa lý trái cây của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung.”- Thủ tướng gợi mở.

Đọc thêm