Hội ngộ bất ngờ sau hàng chục năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhà đạo diễn và quay phim tóc đã điểm bạc này xưng tên họ là Pierre Sodoeffer và nói ông ta đã có mặt trong hàng ngũ quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ với quân hàm Thiếu úy, có nhiệm vụ quay phim tư liệu chiến tranh và bị bắt làm tù binh ngay khi Điện Biên Phủ thất thủ. Nguyễn Đình Thi bồi hồi nhớ lại một việc nhỏ cách đây 40 năm về trước...

Đầu năm 1994, nhân sắp đến dịp kỷ niệm 40 năm Điện Biên Phủ, Tổng thống Pháp lúc đó là ông Francois Mitterand đã sang thăm Việt Nam. Ông lên Điện Biên Phủ quan sát lại chiến trường xưa, nơi mà hơn 16.000 quân Pháp đã gục ngã và phải đầu hàng trước sức mạnh của những người lính Việt Nam mũ nan dép lốp, không có xe tăng, máy bay, vũ khí trang bị còn kém nhiều so với quân Pháp.

Tháp tùng tổng thống Mitterand có một số phóng viên báo chí truyền hình quay phim người Pháp được giao nhiệm vụ làm cuốn phim về chuyến đi này và thuyết minh giới thiệu với ngài Tổng thống cùng phái đoàn Pháp những cứ điểm và cách bố trí phòng ngự của quân đội Pháp sau khi đã nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ tháng 11 năm 1953.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ

Trong buổi chiêu đãi phái đoàn của tổng thống Pháp tại Hà Nội trước khi về nước, nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003) lúc đó là Chủ tịch hội LHVH Nghệ thuật Việt Nam, ngay giữa buổi tiệc như chợt nhận ra một nhân vật mà mình đã từng gặp ở đâu đó, Nguyễn Đình Thi đã tới chạm cốc với thành viên nọ trong phái đoàn tháp tùng tổng thống Pháp. Ông thân mất bắt tay và hỏi người này bằng tiếng Pháp rất chuẩn: "Hình như chúng ta đã gặp nhau ở đâu rồi thì phải…"   

Nhà đạo diễn và quay phim tóc đã điểm bạc này xưng tên họ là Pierre Sodoeffer và nói ông ta đã có mặt trong hàng ngũ quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ với quân hàm Thiếu úy, có nhiệm vụ quay phim tư liệu chiến tranh và bị bắt làm tù binh ngay khi Điện Biên Phủ thất thủ. Nguyễn Đình Thi bồi hồi nhớ lại một việc nhỏ cách đây 40 năm về trước

…Giữa tháng 5 năm 1954 với tư thế những người chiến thắng, trên đường từ Điện Biên Phủ trở về hậu phương sau khi đã qua đèo Pha Đin tới chân đèo Lũng Lô, Nguyễn Đình Thi cùng một số cán bộ chỉ huy cao cấp của QĐNDVN xuống xe tạm nghỉ để chờ qua phả thì gặp một toán rất đông tù binh Pháp được các chiến sĩ ta áp giải cũng đang ngồi nghỉ tại đây. Sau khi được biết trong đoàn tù binh này có cả viên tướng bại trận De Castries, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã đến bên chiếc xe tải quân sự chở De Castries và chuyện trò với viên tướng tù binh này toàn bằng tiếng Pháp.

De Castries thừa nhận: Đến bây giờ ông ta mới biết tài cầm quân của tướng Võ Nguyên Giáp và cũng đến bây giờ ông ta mới thực sự hiểu vì sao binh lính Pháp ở Điện Biên Phủ với trang bị hỏa lực cực mạnh lại được máy bay ngày đêm yểm trợ mà vẫn bị thua trận. Toàn bộ số tù binh Pháp và Bắc Phi này được tự do trò chuyện, uống nước, hút thuốc lá. Riêng có hai lính da trắng khác bị trói chặt hai tay về phía sau đang ngồi ở một đoạn rễ cây to có một chiến sĩ ta canh giữ, lăm lăm khẩu tiểu liên K50 đã lên đạn.

Tò mò, Nguyễn Đình Thi tới hỏi căn nguyên thì được biết đây là hai tù binh lợi dụng lúc ta sơ hở định tạt vào rừng chạy trốn nhưng đã bị bắt lại ngay sau đó nên buộc ta phải trói hai tay này lại với nhau và phân công một chiến sĩ đi kèm giám sát chặt chẽ.

Qua trò chuyện Nguyễn Đình Thi mới hiểu hai tù binh này không phải là lính chiến đấu mà chỉ là lính văn phòng, chuyên chụp ảnh quay phim nên sức bền, chịu khổ kém, cuốc bộ mấy ngày dưới trời nắng đầu hè đã quá mỏi mệt nên dọc đường định bỏ trốn để tìm đến một đồn binh Pháp nào đó ở bên kia sông Đà hòng thoát thân nhưng không thành.

Thấy hai tù binh này dáng vẻ tiều tụy đau đớn, nước mắt giàn giụa và tỏ ra hối hận vì việc mình đã làm, ông Thi đã gặp người cán bộ phụ trách việc dẫn giải tù binh và đề nghị cởi trói cho họ. Ý kiến của ông đã được chỉ huy của ta chấp thuận và hai tên tù binh da trắng này đã được cởi bỏ dây trói, được đối xử bình thường như đồng bọn.

Bằng tiếng Pháp, ông Nguyễn Đình Thi không quên nhắc hai tù binh này rằng hãy đừng nghĩ gì đến việc trốn chạy nữa vì cho đến giờ phút này toàn bộ hai bên bờ sông Đà đã không còn đồn binh nào của Pháp, nếu cố tình đào tẩu lần thứ hai mà không bị dân quân địa phương bắt lại thì cũng chỉ làm mồi cho rắn độc và thú dữ trong rừng mà thôi.

Cả hai tên đều gật đầu lia lịa, cảm ơn rối rít trước người đàn ông Việt Nam đẹp trai, nói tiếng Pháp rất chuẩn nhưng họ cũng không biết đó là ai. Riêng với tên trẻ hơn, dáng cao gầy mặc phong phanh có một chiếc áo sơ mi cộc tay đang run run vì gió lạnh, ông Thi còn cởi chiếc áo ngoài của mình khoác vào người cho hắn. Và chính anh ta là người mà ông đã gặp hôm nay tại cuộc chiêu đãi ngoại giao ở Hà Nội trong không khí hòa hợp hữu nghị Việt – Pháp.

Quả đất tròn, bốn mươi năm sau người đạo diễn này năm xưa là tù binh của ta ở Điện Biên Phủ đã được chọn đi theo tổng thống Pháp Mitterand sang thăm Việt Nam với tư cách là nhà quay phim chụp ảnh. Và cũng thật tình cờ ông ta được gặp lại người đã xin cởi trói cho mình và nhường cái áo khoác cho mình ở chân đèo Lũng Lô năm xưa…

Thế Trường

Đọc thêm