Hồi sinh phong trào guitar cho giới trẻ

(PLO) - Hơn chục năm trở lại đây, trào lưu giải trí công nghệ ùa tới, “cuốn đi” tiếng nhạc guitar mộc mạc thuở nào. 
Nghệ sĩ Vũ Hiển.
Nghệ sĩ Vũ Hiển.

Giới trẻ, đặc biệt là sinh viên dần thờ ơ, lạnh nhạt với guitar, mải miết chạy theo những âm nhạc hiphop, rop, rock …  Không đành lòng nhìn đàn guitar nằm phủi bụi góc phòng ký túc xá hay im lìm trên giá kệ gia đình, một số nghệ sĩ 8X đã cố gắng tìm mọi cách “hồi sinh” phong trào guitar cho giới trẻ, trong đó có Vũ Hiển.

Một thời sôi nổi

Cây đàn guitar du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỉ XX. Với tính gọn nhẹ, tiện lợi và những giai điệu mộc mạc sâu lắng, guitar nhanh chóng “hút hồn” người yêu nhạc. Nhiều nhạc sĩ đồng thời là người đệm guitar rất giỏi đã xuất hiện như: Hoàng Vân, Trọng Bằng, Tô Vũ, Văn Chung, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Phạm Duy, Văn Ký...

Vào năm 1944, nghệ sĩ Tạ Tấn là người mở lớp dạy guitar đầu tiên và là một trong số những người đầu tiên thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam. Hơn 30 năm giảng dạy Tạ Tấn đã góp phần hình thành một thế hệ guitar sau này nổi tiếng như: Trần Văn Thân, Ngô Ðăng Quang, Nguyễn Lương Bình, Nguyễn Ðức, Nguyễn Văn Dị, Lê Hùng Phong... Tiêu biểu là Ðặng Ngọc Long - Phó Chủ nhiệm Khoa guitar Nhạc viện Berlin (CHLB Ðức) và các nghệ sĩ này, sau đó cũng thu nhận nhiều học trò để truyền dạy.

Guitar Hà Nội xưa càng được biết tới và nhân rộng khi nhóm “Thất cầm” hình thành năm 1955. Nhóm “Thất cầm” gồm các nghệ sĩ Đặng Quang Khôi, nghệ sĩ Hải Thoại, nghệ sĩ Phạm Văn Phúc, nghệ sĩ Nguyễn Văn Tỵ, nghệ sĩ Nguyễn Quang Tôn, nghệ sĩ Vũ Bảo Lâm, nghệ sĩ Đỗ Trường Giang “đổ bộ” khắp Hà thành. Với lượng người hâm mộ lớn tới nỗi tràn cả rạp Công nhân, Nhà hát Lớn. Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức tiếng đàn của người yêu guitar, nhóm “Thất cầm” còn phải bắc loa ra ngoài rạp.  Cũng theo chân lớp đàn anh, nhóm “Thất cầm” còn mở  nhiều lớp học thu hút nhiều người  tới “tầm sư… học nhạc”.

Tiếng đàn guitar ngày càng lan rộng trong đời sống người dân, đặc biệt là “bạn tâm tình” của giới sinh viên những năm cuối thế kỷ XX. Hàng đêm, những nghệ sĩ guitar nổi tiếng lúc đó như Văn Vượng, Quang Tôn, Hải Thoại… “chạy sô” khắp những quán guitar-café đáp ứng nhu cầu thưởng thức của giới trẻ.

“Hồi sinh” phong trào guitar cho giới trẻ

Nhưng hơn chục năm trở lại đây, trào lưu giải trí công nghệ ùa tới, “cuốn đi” tiếng nhạc guitar mộc mạc thuở nào. Giới trẻ, đặc biệt là sinh viên dần thờ ơ, lạnh nhạt với guitar, mải miết chạy theo những âm nhạc hiphop, rop, rock …  “Đời sinh viên có cây đàn guitar/Đàn ngân lên chúng ta cùng hòa ca/Có anh bạn xa nhà, có cô bạn nhớ cha, cất vang cùng lời ca...”- dường như chỉ còn là dĩ vãng.

Không đành lòng nhìn đàn guitar nằm phủi bụi góc phòng ký túc xá hay im lìm trên giá kệ gia đình, một số nghệ sĩ 8X đã cố gắng tìm mọi cách “hồi sinh” phong trào guitar cho giới trẻ, trong đó có Vũ Hiển.

 Tốt nghiệp lớp guitar cổ điển tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội lúc phong trào guitar đang xuống dốc, Vũ Hiển luôn ấp ủ khơi dậy tình yêu guitar của bạn trẻ 8X, 9X… Nghĩ là làm, với vốn liếng chỉ đủ mua 2 chiếc đàn guitar hạng xoàng, Vũ Hiển vay tiền mua thêm sáu chiếc ghế để mở lớp. Từ vài học viên, sau 5 năm, lớp học Vũ Hiển đã đào tạo được 6.000 học viên. Học viên của Vũ Hiển từng đạt giải nhất trong cuộc thi ghi-ta ở Thái-lan, một quốc gia có nghệ thuật ghi-ta khá phát triển. Để mở rộng sân chơi guitar, chàng trai trẻ còn kết nối để có những buổi trình diễn ghi-ta cổ điển. Bao nhiêu tiền công dạy học, Vũ Hiển đổ cả vào “đãi” các bạn trẻ thưởng thức guitar và uống café miễn phí.

Không chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp, Vũ Hiển còn được biết đến với nhiều ca khúc sáng tác, chuyển soạn cho guitar như:  “Thao thức”, “Nhớ về vũ công”, “Khúc hát ru người mẹ trẻ”, “Giấc mơ trưa”… Đặc biệt, tác phẩm “Giấc mơ trưa” do anh chuyển soạn ngay từ lần đầu tiên biểu diễn đã gây được tiếng vang lớn trong giới guitar ở Hà Nội, đồng thời cũng tạo cảm hứng cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.

Ước mơ guitar Việt Nam “định vị” trên bản đồ âm nhạc khu vực, xa hơn là thế giới, một ý nghĩ táo bạo lóe lên trong đầu nghệ sĩ Vũ Hiển là tổ chức Festival Guitar quốc tế. Đây là một ngày hội để những người yêu guitar đến gần với nhau hơn, học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cũng như được gặp gỡ và giao lưu với các bạn bè nghệ sĩ quốc tế.

Nhưng để tổ chức sự kiện âm nhạc hoành tráng này không hề đơn giản. Trong khi các “bầu sô” tổ chức đêm nhạc bolero, nhạc trẻ để dễ bán vé thì Vũ Hiển lại “ngược dòng” tổ chức đêm nhạc kén khán giả. Khó khăn chồng chất khi Vũ Hiển đi xin tài trợ ở đâu cũng nhận cái lắc đầu từ chối, vé khó bán trong khi chi phí mời nghệ sĩ quốc tế rất tốn kém. Thấy Vũ Hiển quá vất vả, tâm huyết, nghệ nhân ghi-ta của Hàn Quốc - Hee Hongkin và nghệ sĩ quốc tế - nhạc sĩ nổi tiếng của Thái Lan- Nutavut đã đồng ý tài trợ phần giải thưởng cho những người tham gia với trị giá hơn 200 triệu đồng. Còn lại, Vũ Hiến phải lo chi phí ăn, ở cho các nghệ sĩ nước ngoài. 

Được lời như cởi tấm lòng, Vũ Hiến đã biến ước mơ trở thành hiện thực. Lần đầu tiên tại Việt Nam có một Festival guitar quốc tế Alma Hanoi quy tụ nhiều tài năng âm nhạc làm ban giảm khảo như: Hee Hongkim, Enrique Muñoz Teruel, Nutavut, Ekateria Pushkarenko, Châu Đăng Khoa, Vũ Hiển, Lê Thu, Ngô Đăng Quang… với sự tham gia của 25 thí sinh quốc tế và Việt Nam.

Theo nghệ sĩ Vũ Hiển - Trưởng Ban tổ chức, chương trình sẽ diễn ra vào ba đêm 27- 28- 29/10 tại Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội. Chương trình sẽ một dấu mốc đánh dấu sự khởi sắc của phong trào guitar cổ điển tưởng chừng như đã lặng tiếng sau gần 10 năm ở Hà Nội. Chương trình sẽ có rất nhiều hoạt động, từ dự thi, biểu diễn... đến giao lưu với các bậc thầy guitar, nghệ nhân làm đàn. Đặc biệt có sự đồng hành của nhạc sĩ Phú Quang và nghệ sĩ ưu tú Chí Trung. Đây là lễ hội guitar lớn nhất từ trước đến nay, là nơi hội tụ những anh tài của guitar trong nước và quốc tế. “Festival guitar quốc tế” sẽ là những đêm guitar tuyệt vời. Và nghệ sĩ Vũ Hiển cùng các nghệ sĩ sẽ tạo thành làn sóng cuộn dâng tình yêu guitar với giới trẻ Hà Nội thời @. 

Đọc thêm