Hội thảo bàn cách phát huy tiềm năng đường thủy ở TP HCM

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - TP HCM hiện có 913km đường thủy, tương đương 50% tỷ lệ đường bộ (khoảng 2.000km). Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống giao thông đường thủy và hạ tầng loại hình này tại TP HCM hiện còn nhiều hạn chế. Nhận định được đưa ra tại Hội nghị phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy vừa được tổ chức tại TP HCM.
Buýt sông tại TP HCM.
Buýt sông tại TP HCM.

“Chưa có một đường xi măng đi từ bến sông lên đường bộ”

Theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, như Nhật Bản, Pháp, châu Âu đã đi trước, dọc tuyến đường ven sông ở các quốc gia này được phát triển thành không gian dành cho người dân chạy bộ, đạp xe, chèo thuyền và thậm chí cắm trại. Trong khi đó, TP HCM đứng trước cơ hội lớn để phát triển giao thông đường thủy, đặc biệt là vận tải hành khách đường thủy, kết hợp du lịch bền vững.

Dẫn chứng, ông Tuấn cho biết nhiều quốc gia trên thế giới phát triển rất tốt vận tải hành khách đường thủy như Ý (Venice); Thổ Nhĩ Kỳ (Istanbul); Mỹ (Seatle)…

Mỗi năm, vận tải hành khách đường thủy ở thành phố trên có thể chuyên chở trên 600.000 hành khách. "Như vậy mỗi chuyến có thể chuyên chở bằng 4 - 5 tuyến xe buýt", ông Tuấn so sánh.

Ông Tuấn nhận định TP đã đưa vào khai thác hai tuyến buýt sông tiền đề số 1 và 2, trong tương lai, các tuyến này có thể được nhân rộng. Và ngoài để phục vụ khách du lịch, buýt sông còn có thể dùng chuyên chở thêm người dân địa phương đi học, đi làm để tăng cường vai trò giao thông đường thủy, chia sẻ áp lực với giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống giao thông đường thủy và hạ tầng loại hình này tại TP HCM hiện còn nhiều hạn chế.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Hòa An, TP hiện có 913km đường thủy, tương đương 50% tỷ lệ đường bộ (khoảng 2.000km). Sau 2 năm đại dịch, đường thủy được tái khởi động, đa dạng sản phẩm du lịch đường thủy, song vẫn chưa xứng tiềm năng.

Theo ông An, khó khăn lớn nhất trong quá trình phát triển giao thông đường thủy là đến nay, quy hoạch ngành bến thủy nội địa vẫn chưa có. "Có nhiều bến tồn tại từ trước 1975, đáp ứng nhu cầu địa phương nhưng do chúng ta chưa xác định được quy hoạch, lửng lơ nên các bến đang hoạt động từ trước đến nay lại trở thành không phép", ông An nói.

Về khó khăn khác, ông An cho hay cơ chế giao, thuê đất xây bến thủy nội địa cũng chưa có; quỹ đất dùng đầu tư xây dựng bến, dịch vụ hậu cần kỹ thuật phục vụ khách du lịch còn hạn chế... Về hạ tầng cho bến bãi, bến thủy nội địa hiện chỉ có tàu bến, những công trình phụ trợ trên bờ lại thuộc phạm vi hành lang bờ sông, rạch nên không thể triển khai.

Ông An cho hay một bến ít nhất phải có một nhà chờ, nhà vệ sinh, cao cấp hơn là bãi đậu xe để người dân chuyển đổi phương tiện hoặc kết nối giao thông đường bộ, giao thông công cộng sau khi đi buýt thủy.

"Nhưng TP chưa có, thậm chí chưa có một đường xi măng đi từ bến sông lên đường bộ", ông An nêu và cho rằng điều này đã làm hạn chế tiềm năng du lịch sông ngòi của TP HCM. Từ đó, lãnh đạo Sở GTVT kiến nghị các địa phương cập nhật, phê duyệt quy hoạch bến thủy nội địa nêu trên vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; kiến nghị UBND TP tiếp tục chỉ đạo các nhà đầu tư triển khai dự án chuyển đổi công năng, khai thác khu bến cảng Nhà Rồng - Khánh Hội trở thành bến du lịch tại trung tâm, với hạ tầng hiện đại.

Kiến nghị sớm xây cảng khách quốc tế chuyên dụng ở Cần Giờ

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Cảng vụ hàng hải TP HCM, kiến nghị sớm xây cảng khách quốc tế chuyên dụng ở Cần Giờ, để phát triển giao thông đường thuỷ, thu hút khách du lịch.

Theo ông Nam, DN có xu hướng đầu tư nhiều tàu biển chở được nhiều khách, hàng hóa, giúp giảm chi phí. Vài năm gần đây, tàu khách quốc tế cỡ lớn đến TP tăng, song không vào được nội đô vì vướng tĩnh không cầu Phú Mỹ. Đây là cầu dây văng vượt sông Sài Gòn, tĩnh không thông thuyền 45m - cao nhất ở thành phố nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng. Điều này khiến các tàu phải cập tạm ở cảng hàng hóa bên ngoài, gặp nhiều khó khăn khi phục vụ khách.

"Ngoài tĩnh không cầu, trên các tuyến sông ở thành phố còn vướng đường điện với chiều cao 55m, nên chỉ tàu thấp hơn mới có thể đi qua", ông Nam nói và cho rằng TP nên sớm xây cảng hành khách quốc tế chuyên dụng ở huyện Cần Giờ như quy hoạch. Nơi này nhiều tiềm năng, lợi thế về giao thông đường thuỷ cũng như du lịch nên khi xây cảng sẽ hình thành đầu mối lớn, không chỉ giúp TP mà cả khu vực phát triển.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ duyệt năm ngoái, cảng biển Cần Giờ gồm nhiều loại như bến tổng hợp, container, hàng rời, bến khách quốc tế. Quy hoạch của cảng có thể phục vụ tàu trọng tải đến 150.000 tấn, tàu khách loại 225.000 GT (tổng dung tích trên tàu).

Đồng quan điểm, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Cty CP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển, cho rằng tĩnh không cầu Phú Mỹ chỉ đáp ứng tàu tải trọng tối đa 45.000 DWT (trọng tải toàn phần), sức chứa 1.800-2.000 khách. Chưa kể sắp tới TP sẽ xây cầu Thủ Thiêm 4 tĩnh không thấp hơn nên sông Sài Gòn đoạn qua trung tâm TP tương lai chỉ có thể cho tàu, du thuyền cỡ nhỏ hoạt động.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường cho biết TP sẽ tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, DN để từng bước giải quyết khó khăn, giúp phát triển giao thông, du lịch đường thuỷ. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng quá trình triển khai, từng vấn đề phải đặt trong tổng thể để ưu tiên chứ không thể làm dàn trải. Trong đó, TP sẽ tập trung giải quyết trước một số trở ngại như: hệ thống cầu bến, ô nhiễm trên sông, rạch.

Ngoài ra, TP sẽ đẩy nhanh các dự án như cầu Nam Lý, dự án chống ngập do triều... để khơi thông các tuyến đường thủy. Các cầu thấp như Bình Triệu, Bình Phước... đang được tính toán nâng tĩnh không để thuận tiện cho tàu thuyền chạy qua. TP sẽ nghiên cứu xây cảng khách quốc tế ở vị trí phù hợp.

Đọc thêm