Hội thảo khoa học “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và pháp luật về Nhà nước và công dân”

(PLVN) -Ngày 12/12, Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và pháp luật về Nhà nước và công dân”. 

Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Luật gia Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các nhà khoa học, nghiên cứu…

 

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Minh Khuê – Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý cho biết Hội thảo tập trung vào 4 vấn đề liên quan tới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với: mối quan hệ giữa công dân với cơ quan dân cử (cơ quan lập pháp); mối quan hệ giữa người dân với cơ quan hành pháp; đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp và bảo vệ công lý cho người dân; các yêu cầu bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đảm bảo an sinh xã hội và quyền lao động của người dân trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, TS. Trần Thị Quang Hồng (Viện Khoa học pháp lý) nêu lên những cơ hội và thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với tất cả các chủ thể, cách nhận thức và đối phó của các nước trên thế giới… Trên cơ sở đó, bà Hồng đưa ra các nguyên tắc ứng xử, trong đó có việc bảo vệ người yếu thế trong cuộc cách mạng này cũng như các vấn đề liên quan tới an sinh xã hội.

 

Ông Lê Thanh Liêm (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đóng góp ý kiến, cho rằng hệ thống pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn. Ông Liêm dẫn chứng Luật Điện ảnh 2010 lạc hậu so với thực tiễn. Ví dụ trong việc phát hành phim, điều chỉnh phát hành đối với loại phim 35mm không còn phù hợp. Do đó, ông Liêm cho rằng cần rà soát hệ thống pháp luật về từng ngành từng lĩnh vực…

PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng (Tạp chí nghề luật, Học viện tư pháp) nêu vấn đề trong trường hợp chưa có hành lang pháp lý đảm bảo cho công dân điện tử thì mình phải làm gì khi các giao dịch, tranh chấp vẫn diễn ra trong không gian 4.0?. Trước câu hỏi này, ông Khuê cho biết phương pháp giải quyết là dựa vào tinh thần pháp luật để áp dụng. Bởi đây là những giao dịch dân sự, công dân cần bảo vệ chính mình trong môi trường rủ ro và chưa có sự đảm bảo này. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền cho công dân hiểu biết hơn để bảo vệ chính mình.

Kết thúc Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý cảm ơn và ghi nhận ý kiến đánh giá, đóng góp và đề xuất của các đại biểu, nhà khoa học.

Đọc thêm