Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện các thủ tục để triển khai thi công ngay hạng mục gia cố 22 nút dàn chủ dầm Pháp tại vị trí gối của các trụ chính (trụ P1 đến P8 và P12, P17, P18) trên cơ sở nguồn vốn đã được cấp thuộc Dự án khôi phục cầu Long Biên giai đoạn 1.
Đối với các nhịp YUKM đơn có độ võng và xoắn lớn (gồm nhịp 7/10, 8/10, 10/10 phía thượng, hạ lưu và nhịp 9/10 phía hạ lưu), Bộ này yêu cầu cần phải thực hiện ngay công tác kiểm định theo chỉ đạo để làm cơ sở trình Bộ GTVT chấp thuận chủ trương thực hiện.
Ngoài ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm báo cáo quá trình lập dự án đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư, các công việc đã thi công trên hiện trường, đề xuất bổ sung các yêu cầu về khai thác, bổ sung nội dung gia cố (nếu cần) để đảm bảo an toàn khai thác...
Dự án gia cố, sửa chữa cầu Long Biên được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thẩm định, phê duyệt vào tháng 7/2014. Trong đó giai đoạn 1, dự án gia cố bảo đảm an toàn cầu Long Biên phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2025, với tổng kinh phí xấp xỉ 300 tỷ đồng, kế hoạch hoàn thành vào tháng 12/2015.
Giai đoạn 2 đặt mục tiêu sẽ khôi phục, cải tạo cầu Long Biên phục vụ đường bộ đô thị sau khi Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) hoàn thành và đưa vào khai thác.
Cây cầu “trăm tuổi” này được xây dựng, đưa vào khai thác từ năm 1902. Trải qua thời gian và hai cuộc chiến tranh phá hoại, nhiều nhịp cầu được thay bằng dầm tạm, các trụ bị han gỉ và xô lệch, đường bộ hành nhiều nhịp bị võng, xệ. Trước khi khôi phục, cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, uy hiếp an toàn chạy tàu và giao thông trên cầu.