Hôm nay (30/9), khởi công xây dựng đồng loạt 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

(PLVN) - Ngày mai (30/9) , Bộ GTVT tổ chức khởi công xây dựng đồng loạt 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được chuyển đổi từ hình thức PPP sang đầu tư công theo Nghị quyết 117/2020 của Quốc hội gồm: Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây, với tổng số vốn hơn 37.000 tỷ đồng.
Bộ GTVT tổ chức khởi công xây dựng đồng loạt 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: VNE
Bộ GTVT tổ chức khởi công xây dựng đồng loạt 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: VNE

Đây là 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam. Cùng với 3 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công gồm: Cao Bồ - Mai Sơn; Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 đang được thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2021 thì việc triển khai thêm 3 dự án thành phần vào ngày mai cho thấy hình hài trục cao tốc Bắc-Nam xuyên Việt đã dần được hình thành. 

Dự án Mai Sơn (Ninh Bình) - QL45 (Thanh Hoá) tổ chức khởi công tại xã Hải Long, huyện Hà Trung (Thanh Hoá);  dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận)  khởi công tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong (Bình Thuận); dự án Phan Thiết - Dầu Giây (Đồng Nai) tổ chức tại xã Hàng Gòn, TP Long Khánh (Đồng Nai).

Cao tốc Mai Sơn - QL45 dài 63km, tổng mức đầu tư 12.343 tỷ đồng; đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết  dài 101km, tổng mức đầu tư 11.603 tỷ đồng. Hai dự án này được thiết kế 4 làn xe, chiều rộng mặt đường 17 m.

Đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, tổng mức đầu tư 13.656 tỷ đồng; quy mô 6 làn xe, bề rộng 25m; phân kỳ đầu tư giai đoạn một là 4 làn xe, chiều rộng 17 m, tốc độ tối đa 80 km/h.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ đưa tin, dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự lễ khởi công dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45; Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình sẽ dự lễ khởi công dự án Phan Thiết - Dầu Giây; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự lễ khởi công dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Một điểm chung của phần lớn các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam dài hơn 650km là đều được xây dựng mới, đồng bộ và nằm trọn trong địa bàn 14 tỉnh, TP khu vực miền Trung. Nói cách khác, các tỉnh miền Trung sẽ là những địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ tuyến cao tốc huyết mạch này. 
 
Hành lang vận tải Bắc - Nam kết nối Thủ đô Hà Nội và TPHCM, đi qua 32 tỉnh và TP, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.
 
Riêng đoạn Hà Nội - TPHCM đi qua địa phận 20 tỉnh/TP, tác động đến 45% dân số, đóng góp 52% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 75% các cảng biển loại I-II và 67% các khu kinh tế của cả nước và đặc biệt là kết nối 3 vùng kinh tế trọng điểm. Với mức độ ảnh hưởng như vậy, có thể nói đây là hành lang vận tải quan trọng nhất, có tính lan tỏa nhất, tạo động lực phát triển kinh tế cả nước.

Đọc thêm