Hôm nay bắt đầu phiên “nóng” nhất kỳ họp QH, Thủ tướng sẽ đăng đàn

(PLO) - Với chủ trương đổi mới để thực hiện “đến cùng” quyền giám sát tối cao, phiên chất và trả lời chất vấn tại kỳ họp 10, diễn ra trong 2,5 ngày 16/11 đến hết sáng 18/11), sẽ có sự đăng đàn của tất cả các bộ trưởng, trưởng ngành. Thủ tướng cũng trực tiếp trả lời các vấn đề ĐBQH nêu ra.
QH sẽ thực hiện quyền giám sát tối cao thông qua hoạt động chất vấn Chính phủ
QH sẽ thực hiện quyền giám sát tối cao thông qua hoạt động chất vấn Chính phủ
Từ hôm nay (16/11), QH sẽ tiến hành chất vấn Chính phủ theo phương thức đổi mới được các ĐBQH đánh giá tích cực và cử tri mong đợi để có được cái nhìn tổng quát nhất về những việc mà các bộ trưởng, trưởng ngành đã cam kết thực hiện, khắc phục tại các kỳ họp trong suốt nhiệm kỳ QH khóa XIII.

Không giới hạn vấn đề chất vấn

Theo chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, phần trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ mở đầu cho phiên chất vấn.

Tiếp đó là Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 của của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình và Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc – Trưởng đoàn thư ký kỳ họp sẽ trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 trước khi Trưởng Ban dân nguyện của UBTVQH Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015.

Trên cơ sở các báo cáo, ĐBQH sẽ thảo luận, chất vấn về việc thực hiện các NQ của QH về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015, xem xét, đánh giá những gì làm được, những gì còn tồn tại để chất vấn, làm rõ hơn vấn đề trong từng lĩnh vực, đặc biệt chú trọng đến “những lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành” trước QH và cử tri.

Sáng 18/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời ý kiến của ĐBQH (nếu có) trước khi Chủ tịch QH phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Như vậy, phạm vi và đối tượng chất vấn tại kỳ họp 10 rất rộng, không giới hạn. ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho biết: “ĐBQH sẽ có điều kiện soát xét lại nội dung chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, tổng hợp, tiếp thu ý kiến của cử tri để nêu vấn đề đề nghị Chính phủ và các Tư lệnh ngành nghiên cứu trả lời”.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đánh giá “việc các thành viên Chính phủ có mặt ở QH, trả lời các vấn đề ĐB chất vấn liên quan đến Bộ, ngành mình là rất tốt” vì thực tế đã cho thấy, khi chất vấn, nhiều vấn đề ĐB nêu ra liên quan đến rất nhiều Bộ ngành khác nhau, thậm chí liên quan đến điều hành chung của Chính phủ chứ không chỉ một Bộ, ngành nên không thể nói cứ chất vấn một Bộ rồi Bộ khác tham gia trả lời như thông lệ.

Theo “đến cùng” để đáp ứng mong mỏi của xã hội

Mong muốn theo “đến cùng” các vấn đề, tại kỳ họp này, QH sẽ tập trung làm rõ những nguyên nhân khiến các vấn đề, các “lời hứa” còn chưa được thực hiện, các lĩnh vực chưa có chuyển biến hoặc chuyển biến không đáng kể, những vấn đề phát sinh để quyết định ra nghị quyết gửi lại QH khóa sau tiếp tục giám sát, đôn đốc.

Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: "Đây là một điểm đổi mới của QH, chưa kỳ họp nào thực hiện, nhằm đảm bảo việc giám sát đến cùng của QH”. 
Đánh giá phương thức tiến hành chất vấn “chưa từng có” này, ĐB Nguyễn Sỹ Cương nghĩ rằng, “đây là việc giúp đi đến cùng vấn đề đặt ra trong xã hội". Các Bộ trưởng cầu thị, tiếp thu ý kiến của ĐB để điều chỉnh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình vì thông qua hoạt động chất vấn cũng đôn đốc các Bộ trưởng, đốc thúc các hoạt động quản lý Nhà nước chuyển biến dù để kịp với sự mong đợi của xã hội đối với trách nhiệm quản lý Nhà nước thì có thể chưa đạt được.
Tuy nhiên, vấn đề khiến ĐBQH còn “lăn tăn” trước sự đổi mới tích cực này là thời gian chất vấn và trả lời chất vấn. ĐB Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng) “còn lấn cấn một vấn đề đó là thời gian chất vấn rất ngắn và thời gian thảo luận lại dài. Do đó, số lượng ĐB tham gia chất vấn sẽ ít đi”. 
Tương tự, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) thấy rằng thời gian dành cho việc trả lời chất vấn của Thủ tướng chưa thỏa đáng vì người đứng đầu Chính phủ chỉ trả lời 2-3 câu hỏi của ĐB là đã hết thời gian và cũng khó có thể trình bày nhiều vấn đề thấu đáo, thoả đáng

Đọc thêm