Nỗi buồn của hạt dẻ Trùng Khánh

(PLO) - Hạt dẻ Trùng Khánh đã đi vào những trang sánh giáo khoa môn Văn học của học sinh tiểu học vào những năm 60 của thế kỷ trước. Thứ quả này chỉ có ở vùng đất biên cương Cao Bằng mà thôi. Hơn nữa, bà con dân tộc Tày, Nùng trồng theo lối quảng canh nên sản lượng không đáng kể.
Nỗi buồn của  hạt dẻ Trùng Khánh
Là một đặc sản ngon có tiếng của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng nhưng không phải ai cũng có cơ hội thưởng thức loại hạt dẻ “xịn” ngay tại mảnh đất Cao Bằng. Bởi lẽ, hạt dẻ Trung Quốc đang lấn át thị trường với giá chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với hạt dẻ Trùng Khánh và có thể bán quanh năm.
Theo tìm hiểu, hạt dẻ Trùng Khánh chỉ cho thu hoạch vào tháng 9 đến tháng 10 và không thể bảo quản lâu khiến cho việc đưa hạt dẻ tới tay người tiêu dùng ở các nơi khác trở nên khó khăn hơn. Mặt khác, sản lượng hạt dẻ Trùng Khánh rất thấp, do ảnh hưởng của thời tiết, mưa bão, sâu bệnh…
Đi quanh khu chợ cóc phố Thầu của bà con dân tộc Tày, chúng tôi được mời chào mua hạt dẻ Trùng Khánh “xịn” ở vườn với giá 90.000 đồng/kg. Nhưng khi trao đổi với chúng tôi, cô Phay, người buôn bán hàng ăn ở khu chợ cho biết: “Hạt dẻ các cô mua là Trung Quốc rồi, chính tại Cao Bằng chuẩn rất hiếm. Phần lớn bây giờ là hạt dẻ của Trung Quốc. Hạt dẻ Trung Quốc chỉ có giá 45.000 đồng/kg, còn hạt dẻ Trùng Khánh “xịn” hiện tại giá cao hơn nhiều, khoảng 150.000 đồng/kg”. 
Hỏi về cách phân biệt hạt dẻ Trùng Khánh và hạt dẻ Trung Quốc, cô Phay chia sẻ: “Không phải ai cũng phân biệt được, chỉ có người dân bản địa mới phát hiện ra, chỉ cần nhìn thôi. Hạt dẻ Trùng Khánh có màu nâu bóng, có nhiều lông tơ màu trắng bám vào hạt, không bảo quản tốt chỉ để được vài ba hôm là hỏng”. 
Tiếp tục đi tìm hạt dẻ Trùng Khánh “xịn”, chúng tôi tìm đến chợ Xanh (Cao Bằng) theo lời chỉ của cô Phay. Một thương lái ở chợ cho biết, “hàng xịn” người ta vào tận vườn thu mua với giá cao rồi. Hầu như ở đây đều bán hạt dẻ Trung Quốc. Để đổ buôn về thành phố lớn như Hà Nội thì vẫn cứ giới thiệu là hạt dẻ Trùng Khánh”. 
 
Thực tế, đến với Trùng Khánh, nhìn sang bên kia biên giới sẽ thấy người Trung Quốc, vùng Quảng Đông, Quảng Tây, trồng hạt dẻ với quy mô công nghiệp. Họ lai tạo giống, cấy ghép và mỗi mùa thu hoạch gấp hai, gấp ba hạt dẻ Cao Bằng. Nhìn kĩ thì thấy hạt dẻ to, tròn, mỏng vỏ, bóng bẩy và rốn không có lông tơ. 
Thế nhưng, chỉ cách nhau con sông, bên này đất Trùng Khánh cây hạt dẻ hoàn toàn khác. Cây hạt dẻ ở Trùng Khánh là những cây cổ thụ có độ tuổi ít nhất là 50 năm. Dĩ nhiên, chỉ những cây dẻ mọc lên từ đất Trùng Khánh mới cho loại hạt chính hiệu. Người dân buôn muốn kinh doanh phát triển giống cây này, nhưng khi mang sang vùng đất khác trồng thì ngay lập tức nó cho ra loại hạt bé, lép hoặc to bất thường, dị dạng và không có mùi, vị thơm bùi khi ăn. Đó là điều đặc biệt và kỳ lạ ở loài cây khó tính này. Chính vì đặc điểm này mà nó nổi tiếng và trở thành thương hiệu “hạt dẻ Trùng Khánh”.
Lân la hỏi chuyện với người dân đi chợ, họ mách nhỏ với chúng tôi: “Lên Cao Bằng mua hạt dẻ Trùng Khánh phải đi vào tháng 10 và đến tận đất Trùng Khánh. Nhất thiết phải mua hạt dẻ của những người dân thường đi chợ. Họ sẽ mang theo bên mình một túi gọi là “Pác mạ” bằng vải chàm, trong đó mới là những hạt dẻ đích thực. Điều khác lạ là họ bán theo kiểu đếm hạt chứ nhất định không bao giờ chịu dùng cân, dù nhiều hay ít. Đây là cách bán hạt dẻ có từ nhiều đời nay của người Tày, người Nùng ở Trùng Khánh.
Trong khi người tiêu dùng chúng ta sử dụng hạt dẻ trung Quốc “dán tem” hạt dẻ Trùng Khánh, vô hình trung làm giảm uy tín cũng như thương hiệu của đặc sản này. Hạt dẻ Trùng Khánh dần mất thương hiệu, người dân sớm muộn cũng phá cây, bỏ nghề vì sản phẩm tạo ra bị lấn át. Suy cho cùng người thiệt thòi nhất vẫn là nông dân và người tiêu dùng./.

Đọc thêm