Hơn 1/3 cà phê trên thị trường là hàng dởm

(PLO) - Thông tin về chất lượng cà phê vừa được Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố đã khiến nhiều người tiêu dùng giật mình bởi hàng chục mẫu cà phê được kiểm tra nhanh có hàm lượng cafeine rất thấp, thậm chí là cà phê mà không có cà phê.

Thậm chí, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường C49 còn cho biết: Ít đơn vị nào công bố có thành phần đậu tương trong cà phê - Đây là một hành vi gian dối đánh lừa người tiêu dùng.

Số liệu từ cuộc khảo sát ngẫu nhiên về các mẫu cà phê bán tại các địa phương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Sóc Trăng vừa được Vinastas công bố  đã khiến nhiều người lo ngại. Trong 253 mẫu cà phê đen được chọn ngẫu nhiên tại các quán lớn, nhỏ, quán vỉa hè, căng tin bệnh viện, bán dạo thì có tới 30,04% trong tổng số mẫu khảo sát có hàm lượng caffeine rất thấp, dưới 1g/1 lít. Đặc biệt, trong đó, 5 mẫu hoàn toàn không chứa cafeine - các mẫu này chủ yếu được lấy từ những điểm bán nhỏ như cà phê vỉa hè, bán dạo.

TS. Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã nhận xét: Ông nhiều lần làm trưởng đoàn đi thanh tra việc kinh doanh sản xuất cà phê ở các tỉnh Tây nguyên nên thấy tình trạng cà phê độn các loại đậu nành, bắp khá phổ biến.

Cà phê nguyên liệu tại một cơ sở sản xuất cà phê bột

Trước đó, tháng 6/2016, Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng) cũng đã lấy 100 mẫu cà phê bột tại các cơ sở sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh để phân tích. Kết quả cho thấy có 28/100 mẫu được phân tích có hàm lượng cafeine dưới 1% (không đạt yêu cầu), trong đó có 2 mẫu không tìm thấy hàm lượng cafeine. Tháng 5/2016, Vinastas cũng đã tiến hành khảo sát nhanh 25 mẫu nước cà phê, kết quả là 1/16 mẫu tại các quán cà phê gần các khu công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh và 1/9 mẫu mua tại tỉnh Bình Dương không có cafeine.

Tại khu vực Tây Nguyên - “thủ phủ” của cà phê Việt Nam, lực lượng chức năng cũng nhiều lần phát hiện ra các cơ sở sản xuất cà phê bột dởm với thành phần chính là đậu nành và ngô cùng các loại hóa chất, hương liệu. Riêng tại tỉnh Đắk Lắk, từ cuối năm 2012 đến nay đã có hơn 20 cơ sở sản xuất, chế biến cà phê bột không đạt tiêu chuẩn bị phát hiện, phạt hành chính và buộc ngưng hoạt động.

Nguyên nhân của thực trạng trên, trước hết do lợi nhuận cao khiến nhiều đối tượng không từ thủ đoạn nào chế biến cà phê dởm. Ngoài ra, quy định cụ thể về thành phần của loại đồ uống này chưa rõ ràng cũng là nguyên nhân cà phê bột bị làm giả. Nhiều cơ sở sản xuất chỉ rang xay đậu nành, ngô rồi pha trộn hương liệu và đóng bao không có nhãn mác đi tiêu thụ, việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn. Người tiêu dùng uống theo thói quen, quán quen, thậm chí ham rẻ… cũng giúp cà phê dởm có nhiều “đất” sống.

Được biết, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đề nghị Vinastas gửi kết quả khảo sát trên về Cục để làm rõ hơn. Đơn vị này cũng sẽ tiến hành lấy mẫu cà phê để kiểm nghiệm chất lượng theo đúng quy định của pháp luật.

Thời gian tới, Vinastas sẽ mở rộng khảo sát, ngoài việc xác định hàm lượng cafeine, còn xác định các chỉ tiêu khác nhằm làm rõ tạp chất trong cà phê.

Đọc thêm