Mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc kéo dài từ đầu tuần tới nay khiến 21 người chết; nhiều tuyến đường sạt lở, giao thông đang tê liệt. Trong những ngày tới vẫn còn nhiều nguy cơ cao về các điểm sạt lở, về những cơn lũ quét tiếp tục đe dọa đời sống nhân dân.
Cảnh hoang tàn sau lũ quét |
Tang thương Lào Cai
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Chính Cương - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy (BCH) phòng chống lụt bão (PCLB) tỉnh Lào Cai cho biết, tính đến ngày 6/9 trên địa bàn tỉnh đã có 11 nguời chết, trong đó 9 người đã tìm thấy xác, còn hai người là cháu Chảo Láo Tả (sinh năm 2013) và ông Tẩn Lỉn Mẩy (sinh năm 1959) chưa tìm thấy; 13 người bị thương, trong đó có 7 người bị thương nặng, chủ yếu là nam giới tuổi từ 16 đến 40.
Ông Cương cũng cho biết thêm về một trường hợp mất tích mới vừa nhận được tin từ UBND huyện Bát Xát báo về, đó là trường hợp của cô giáo trẻ Lý Thị Hồng của Trường Mầm non xã Sàng Ma Sáo. Theo đó, vào ngày 5/9, khi đi xe máy ngang qua con suối Nậm Pẻn ở xã Mường Hum, cô đã mất tích. Sang ngày 6/9, lực lượng cứu hộ mới tìm thấy chiếc xe máy.
Trước đó do mưa lớn, vào lúc 10 giờ ngày 5/9 tại xã Thẩm Dương, huyện Văn Bàn đã xảy ra sự cố trượt lở đất, khối lượng khoảng 6.000 m3 đất đá làm đổ trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân xã và đổ một nhà dân bên cạnh. Để đề phòng nguy cơ sạt lở đất tiếp tục, BCH PLLB tỉnh đã chỉ đạo địa phương nhanh chóng di chuyển 15 hộ dân có nguy cơ nhà nằm trong diện cao về sạt lở nhanh chóng di dời, tìm chỗ tạm lánh mới.
Huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai còn nhiều địa phương như Văn Bàn, Minh Lương, Tân Thương, Thẩm Dương đã xuất hiện nhiều địa điểm sạt lở đất. Ông Cương cho biết thêm, trận mưa đá lịch sử gây thiệt hại nặng nề xảy ra trên địa bàn tỉnh mấy tháng trước vẫn chưa khắc phục xong lại xảy ra những trận lũ quét này nên công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn về kinh phí.
Tuy vậy, những hộ dân bị nạn đã được trợ giúp kịp thời về nơi ăn chốn ở để ổn định cuộc sống. Hiện trên địa bàn còn hàng trăm hộ nằm trong diện có nguy cơ gặp nhiều nguy hiểm do mưa lũ, sạt lở gây nguy hiểm đến tính mạng. Những địa điểm này đã được cảnh báo và có biện pháp đề phòng, ngăn ngừa tránh xảy ra rủi ro, mất mát lớn như trên địa bàn huyện Sa Pa. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi 37 ngôi nhà, làm hư hỏng 27 nhà, thiệt hại 1.725ha diện tích hoa màu, lúa, nhiều tuyến đê kè, đường giao thông bị hỏng, sạt lở. Riêng tỉnh lộ 155 qua xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai bị sạt lở 20.000m3. Thiệt hại do mưa lũ tại Lào Cai lên tới trên 200 tỷ đồng.
Tại Lai Châu, mưa lớn gây ra lũ quét và sạt lở nghiêm trọng tại 2 xã Bản Lang và Pa Vây Sử của huyện Phong Thổ làm 3 người chết. Ngoài ra, tại Điện Biên có 2 trường hợp tử vong; Lạng Sơn 1 người, Hà Giang 2 người, Thái Nguyên 3 người, Sơn La 1 người.
Trước tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, BCH PCLB Trung ương đã có công điện gửi BCH PCLB và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh đề nghị huy động các cơ quan hữu quan tiến hành cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ gia đình có người bị chết, khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân. Tại các địa phương miền núi phía Bắc, một số tuyến đường giao thông nông thôn bị ngập nước, sạt lở gây ách tắc tạm thời thuộc các huyện: Tuần Giáo (Điện Biên); Võ Nhai, Phú Lương (Thái Nguyên); Mường Tè, Nậm Nhùn (Lai Châu); Bắc Yên (Sơn La).
Ông Vũ Văn Tú - Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương cho biết, tính đến ngày 6/9 đã có 21 người chết, 37 nhà sập đổ, cuốn trôi, 27 nhà bị hư hỏng vì lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn ở Lào Cai, Thái Nguyên, Lai Châu và Hà Giang trong mấy ngày qua.
Cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất
Cơ quan Khí tượng thủy văn quốc gia vừa phát đi thông báo đặc biệt cảnh báo về nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở các tỉnh như: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình…
Theo đó, mưa tại vùng núi phía Bắc sẽ giảm dần nhưng lũ trên các sông vẫn ở mức trên báo động 2 và tiếp tục lên; cần đề phòng những hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ quét và sạt lở đất, đặc biệt là tại các khu vực có mưa to cục bộ vùng núi Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong khi đó, khu vực Tây Nguyên và Nam bộ mưa đang có xu hướng tăng dần do gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh trở lại.
Thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, ngày 6/9 một áp thấp nhiệt đới đã hình thành trên vùng Biển phía Đông khu vực giữa biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61km một giờ), giật cấp 8, cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây - Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km và còn có khả năng mạnh thêm. |
Sơn Bình