Hơn 23.000 người Hà Nội chưa thể về nhà, 1 huyện có thể ngập sâu 5-7 ngày tới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Do lũ sông rút chậm nên hiện còn 23.000 người dân ở Hà Nội vẫn sơ tán vì ngập lụt. Với tốc độ lưu thoát như hiện nay, các khu dân cư sinh sống vùng ven sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ còn ngập lụt sâu trong 5-7 ngày tới...
Người dân huyện Chương Mỹ di dời đến nơi ở an toàn để tránh ngập lụt. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.
Người dân huyện Chương Mỹ di dời đến nơi ở an toàn để tránh ngập lụt. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Khu dân cư vùng ven sông Tích có thể chịu cảnh ngập lụt thêm 3-5 ngày; ven sông Nhuệ khoảng 1 ngày.

Hơn 23.000 người dân Hà Nội chưa thể về nhà

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội, những ngày qua thành phố đã sơ tán trên 78.700 người tránh bão, lụt. Sau bão, lũ sông Hồng, Đà và sông Đuống rút, Hà Nội có trên 48.200 người trở về nơi ở cũ. Trong đó, quận Bắc Từ Liêm có 5.489 người, Tây Hồ có 20.963 người, Hoàn Kiếm có 4.379 người, Long Biên có 1.055 người, Hai Bà Trưng có 1.198 người…

Số đang phải sơ tán, di dời vào khoảng 23.000 người, tập trung chủ yếu ở các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Ứng Hòa… Đây cũng là những địa bàn còn bị ngập do nước lũ cao.

Về tình hình ngập lụt, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, tại huyện Chương Mỹ, sáng nay - 17/9 vẫn còn 58 thôn thuộc 12 xã ven sông Bùi, 3 xã ven sông Đáy bị ngập nước, ảnh hưởng đến 5.232 hộ dân, 23.452 người. Để bảo đảm an toàn, ngành điện buộc phải tạm ngừng cung cấp điện tại 3.384 hộ dân có nhà ở ngập sâu; 2.112 hộ, 8.860 người sơ tán, chưa trở về nhà…

Trong khi lũ sông rút chậm, Hà Nội dự báo sắp mưa to đến rất to, làm gia tăng thời gian ngập lụt. Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ cho biết, lũ trên các sông: Tích, Bùi, Đáy xuống rất chậm.

Cụ thể, lúc 1h hôm nay - 17/9, mực nước thực đo trên sông Đáy tại Trạm Thủy văn Ba Thá (huyện Ứng Hòa) ở mức 6,6m, trên báo động lũ cấp II là 10cm; sông Bùi tại Trạm Thủy văn Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ) ở mức 7,63m, trên báo động lũ cấp III là 63cm; sông Tích tại Trạm Thủy văn Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oai) ở mức 8,57m, trên báo động lũ cấp III là 57cm.

Dự báo đến 19h cùng ngày, mực nước sông Đáy ở mức 6,45m, giảm 15cm so với lúc 1h cùng ngày; sông Bùi ở mức 7,5m, giảm 13cm; sông Tích ở mức 8,45m, giảm 12cm.

"Với tốc độ lưu thoát như hiện nay và lưu vực không xảy ra mưa lớn, các khu dân cư sinh sống vùng ven sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ còn ngập lụt sâu trong 5-7 ngày tới; vùng ven sông Tích khoảng 3-5 ngày; sông Nhuệ khoảng 1 ngày", cơ quan trên cho biết.

Về thời tiết, cơ quan trên dự báo từ nay đến ngày 20/9, thành phố Hà Nội ngày nắng, đêm và sáng có mưa rào và dông rải rác. Riêng ngày 19, có mưa rào và dông vài nơi. Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với xoáy thuận nhiệt đới, kết hợp với áp cao lục địa tăng cường yếu, thành phố Hà Nội mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông trong ngày 21 và 22/9.

Sẵn sàng ứng phó với mưa lũ có thể xảy ra thời gian tới

UBND TP Hà Nội ngày 16/9 ban hành văn bản chỉ đạo về việc bảo đảm an toàn, ổn định đời sống của nhân dân sau mưa lũ.

Nhằm bảo đảm an toàn, ổn định đời sống của nhân dân, UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã khi nước rút, chỉ đạo rà soát, kiểm tra, đánh giá kỹ toàn bộ công trình, nhà ở, hệ thống hạ tầng ở những khu vực có địa hình thấp trũng, khu vực sát sông... vừa bị ngập lũ; trường hợp bảo đảm an toàn mới cho phép người dân quay trở lại sinh sống. Đồng thời triển khai ngay công việc thu dọn, tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, bảo đảm vệ sinh môi trường, không để phát sinh dịch bệnh tại các khu vực vừa bị ngập lũ.

Đối với những khu vực vẫn chịu ảnh hưởng do ngập lũ, những khu vực sát sông, khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tính mạng của người dân, kiên quyết không để người dân quay trở lại sinh sống để bảo đảm an toàn tính mạng.

Do nước lũ dâng cao, dòng chảy xiết, gây ngập lụt sâu và dự báo còn tiếp tục duy trì trong nhiều ngày tới, tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở, sự cố, hư hỏng công trình nghiêm trọng, vì vậy, thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, canh gác đê điều, thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố, hư hỏng công trình ngay từ giờ đầu, bảo đảm an toàn, sẵn sàng ứng phó với các đợt mưa lũ có thể xảy ra thời gian tới.

Liên quan đến thiệt hại, ảnh hưởng do bão, lũ, thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội cho biết, đã có 20.283 ha lúa bị gẫy, đổ, dập nát; 15.803 ha lúa và 11.764 ha rau màu bị ngập; 8.892 ha cây ăn quả và 4.270 ha thủy sản bị ảnh hưởng; gia súc chết 3.446 con; gia cầm chết, thất lạc 320.109 con.

Đến thời điểm hiện tại, số lượng cây xanh bị gãy, đổ theo thống kê vào khoảng 100.000 cây. Toàn TP cũng ghi nhận xuất hiện 32 sự cố công trình đê điều, khoảng 150 sự cố công trình thủy lợi và các sự cố, ảnh hưởng khác về ngập lụt, hệ thống điện...

Đọc thêm