Bởi vì cách giải nghĩa ấy sẽ dẫn đến một sự hiểu lầm rất nghiêm trọng mà chúng ta cần phải làm rõ.
“Chữ” hay “chữ viết” ra đời với chức năng làm công cụ ghi chép lời nói (ngôn ngữ). Bởi thế, người sử dụng chữ viết, hết đời này đến đời khác luôn hướng nó vươn tới sự chuẩn mực và tính quy phạm. Có như thế nó mới đủ khả năng hoàn thành vai trò của mình. Nhưng khi chữ viết phát triển đến một giai đoạn hoàn thiện rồi thì người viết chữ có thêm nhu cầu sử dụng nó theo hướng lệch chuẩn, cách điệu hóa, hình tượng hóa và nghệ thuật hóa để nó thực hiện thêm những chức năng khác như giải trí, thẩm mỹ. Hai hướng phát triển và hành chức của chữ viết song song với nhau và có tính độc lập tương đối, tuy chúng có chung điểm xuất phát.
Tác giả Nguyễn Hiếu Tín đã tìm tòi, gửi gắm nhiều thông điệp, kỳ vọng vào trong cuốn sách “Thư pháp là gì?”. |
Hướng phát triển thứ hai, lâu nay người Việt Nam chúng ta quen gọi là thư pháp. Thư pháp là gì? Câu hỏi này cũng chính là tên quyển sách của tác giả Nguyễn Hiếu Tín (Trưởng Bộ môn Du Lịch - Trường Đại học Tôn Đức Thắng) vừa được phát hành. Với gần 400 trang sách, đầy ắp tư liệu và hình ảnh, nó sẽ giúp người đọc bước đầu tìm hiểu phần nào lịch sử vấn đề mà chúng ta đang cần biết.
Nguyễn Hiếu Tín vốn là người say mê thư pháp, nhất là thư pháp chữ Việt. Đóng góp của anh không chỉ dừng lại ở những sáng tác phẩm do đôi tay khéo léo và trái tim nồng nhiệt của anh đã tạo ra cho đời, mà anh còn ấp ủ những khát vọng lớn hơn thế nữa. Nguyễn Hiếu Tín là cái tên khá quen thuộc trong giới những người yêu thư pháp ở TP Hồ Chí Minh, một trong những người đề xuất sáng lập “Phố Ông Đồ” tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh vào những dịp tết hàng năm. Anh còn được biết đến là nhà sưu tập tem có hạng với nhiều giải thưởng tại các cuộc triển lãm tem trong và ngoài nước. Được biết, đây là tác phẩm đầu tay của anh, sau 16 năm, nay mới được tái bản đã thể hiện sự tìm tòi, khám phá cái đẹp qua thư pháp bằng tất cả niềm say mê.
Tác phẩm dựa trên cơ sở luận văn thạc sĩ của anh đã được đánh giá xuất sắc. Có thể nói tác phẩm dường như đã đáp ứng đúng lúc, đúng thời cho phong trào “thư pháp Việt” đang thịnh hành và đang rất nóng hổi hiện nay. Thư pháp từ truyền thống đến hiện đại tự thân nó đã nội hàm tính nghệ thuật của một loại hình văn hóa đặc thù. Nó là linh hồn, là sự sống của các con chữ, không giới hạn khu biệt trong thư pháp chữ Hán của người Hoa Hạ cùng các nước đồng văn.
Thật thú vị, bổ ích và có ý nghĩa khi tác giả đã giới thiệu cho chúng ta một số thư pháp, tuy rất tiêu biểu nhưng đã khái quát được các “trường phái” thư pháp từ Đông sang Tây. Ngoài Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Hán Nôm Việt... chúng ta còn có dịp biết đến thư pháp Ả-rập, thư pháp Tây Tạng, thư pháp phương Tây... Thông điệp tác giả muốn gửi gắm đó là “nghệ thuật thư pháp phương Đông” và “nghệ thuật viết chữ phương Tây” - dù khác nhau về phương tiện, hình thức, mục đích... nhưng chúng lại gặp nhau ở cái đẹp. Mọi tìm kiếm sáng tạo của các loại hình nghệ thuật, dù Đông hay Tây, dù hướng nội hay hướng ngoại đều đi về chân trời Mỹ học - cho dù đang còn những quan điểm dị đồng khá phức tạp.
Từ cơ sở nền tảng này, tác giả đã đưa ra những luận giải khá thuyết phục về sự ra đời của thư pháp chữ Việt hiện nay, tuy còn “non tuổi”, nhưng hứa hẹn nhiều điều thú vị ở tương lai. Nhà nghiên cứu, sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã đánh giá tác phẩm: “Một tìm kiếm về tư tưởng, lý luận hoặc một công trình nghiên cứu với nhiều thao tác tư duy, nhiều nguồn tham khảo như thế này là hiện tượng văn hóa đáng được quan tâm, khích lệ, tán thán; vừa tiếp truyền được hơi thở truyền thống của dân tộc, vừa mở đường khiêm tốn cho “thư pháp Việt” bước đi một cách tự tin, vững chãi hơn”…