Đội tuyển Hungary cũng vừa bị phạt 65.000 euro sau vụ người hâm mộ làm loạn trên khán đài. Trước đó, UEFA đã chính thức khởi kiện Liên đoàn bóng đá Croatia về việc cổ động viên nước này gây rối trong trận đấu giữa Croatia và Cộng hòa Czech tại Saint-Etienne và 77.000 bảng Anh là số tiền UEFA quyết định phạt đội bóng này.
Huấn luyện viên đội tuyển Croatia Ante Cacic đã lên án hành động của cổ động viên nước này là “khủng bố thể thao”. Cổ động viên Croatia từng bị buộc tội phân biệt chủng tộc và gây rối.
Một nhóm cổ động viên quá khích người Croatia từng cảnh báo gây rối trong trận đấu với Tây Ban Nha, và từng phản đối Chủ tịch Davor Suker và Phó Chủ tịch Zdravko Mamic bằng việc đốt biểu tượng hình chữ thập trước trận gặp Italia ở vòng loại.
Không chỉ Croatia bị khởi tố, Liên đoàn bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị UEFA cảnh báo vì cổ động viên nước này đã chạy xuống sân trong trận thua Tây Ban Nha 0-3 ở Nice.
Vấn nạn bạo lực tại Euro 2016 đã lên tới mức đáng báo động, và những xung đột, ẩu đả và lộn xộn giữa các cổ động viên quá khích đang khiến ban tổ chức và UEFA đau đầu. Có người nói, bạo loạn ở Euro 2016 dường như không có chuyển biến tích cực, nhất là khi ngày càng xuất hiện nhiều vụ ẩu đả cả trên đường phố lẫn khán đài.
Và cổ động viên Anh tiếp tục trở thành tâm điểm của những vụ ẩu đả ở Pháp. Theo tờ Daily Star, trong vụ ẩu đả tại Lyon, cổ động viên Anh đã bị “ultras” của Pháp phục kích và tấn công.
Cổ động viên Anh phải bỏ chạy khi bị tấn công |
Đây không phải là lần đầu tiên cổ động viên Anh có mặt trong những vụ ẩu đả như vậy tại Euro 2016. Cổ động viên quá khích đã ẩu đả trước trận đấu giữa Iceland và Hungary tại sân Stade Velodrome ở thành phố Marseille.
Tờ The Washington Post vừa đăng một đoạn video ghi lại cảnh cổ động viên Anh ném những đồng xu lẻ về phía 4 trẻ em tị nạn Hồi giáo trên đường phố Lille, Pháp, và hành động này lập tức bị chỉ trích.
Theo giới truyền thông, để giải quyết vấn nạn hooligan trong cũng như ngoài sân cỏ, ban tổ chức đã áp dụng một quy định như hạn chế tối đa việc bán, cũng như sử dụng bia, rượu trong 48 giờ trước khi trận đấu diễn ra.
Tưởng quy định này sẽ khiến các hãng bia, cửa hàng bán bia và người thích uống bia khi xem bóng đá phải “nghiêm túc”, nhưng những màn tắm bia vẫn thường xuyên xuất hiện trên đường phố. Và theo các chủ cửa hàng bia cho biết, đã có hàng nghìn lít bia được bán ra mỗi ngày.
Nhiều người cho rằng, tình trạng ẩu đả tại Pháp sẽ giảm nhiệt sau khi đội tuyển Nga phải về nước sau thất bại 0-3 trước xứ Wales, bởi khi đó cổ động viên Nga sẽ không còn đông như hiện nay. Cổ động viên Nga tới Pháp tuy chỉ chiếm 0,2% dân số của xứ sở bạch dương, nhưng “Ultras Nga” lại bị coi là những kẻ gây rối bậc nhất tại Euro 2016.
Trước đó, ông Alexander Shprygi, người đứng đầu Hiệp hội cổ động viên bóng đá Nga, cùng 19 cổ động viên đã bị Pháp trục xuất về nước. Cảnh sát Pháp đã bắt Alexander Shprygi cùng hàng chục cổ động viên Nga liên quan tới các vụ đụng độ giữa cổ động viên Nga và Anh trước và sau khi diễn ra trận đấu giữa 2 đội tuyển, làm 55 người bị thương.
Và ông Leonid Slutsky sẽ là huấn luyện viên (mới nhậm chức từ tháng 8-2015, thay thế Fabio Capello) đầu tiên mất việc sau Euro 2016 bởi thành tích quá tồi của đội tuyển Nga - chỉ được 1 điểm sau 3 trận và xếp cuối bảng B. Ngoài việc đội tuyển thi đấu quá tệ, cổ động viên Nga cũng để lại những hình ảnh không đẹp.
Bác sĩ Eduard Bezuglov cho rằng, đội tuyển Nga bị đối xử bất công ở Euro 2016 khi có tới 10 cầu thủ bị kiểm tra doping cùng một lúc, sau trận hòa 1-1 với đội tuyển Anh. Người đứng đầu cơ quan y tế và chống doping UEFA Marc Vouillamoz khẳng định, họ “quan tâm” tới Nga vì đội bóng này có một số cầu thủ liên quan tới doping trong quá khứ.