3 trường hợp vô hiệu
Theo cách hiểu trên thì “Hợp đồng hôn nhân” chỉ có thể hiểu trong nội dung hẹp về “chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận”. Theo quy định của pháp luật thì chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận là một hợp đồng thỏa thuận trên nguyên tắc tự do, tự nguyện về việc xác lập và thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với tài sản của họ. Thỏa thuận này được thể hiện dưới dạng văn bản: hôn ước, hợp đồng tiền hôn nhân hay thỏa thuận trước hôn nhân.
Còn theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng phải tuân thủ những điều kiện về mặt hình thức và nội dung. Cụ thể, về hình thức, Điều 47 quy định: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”.
Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng là sự thể hiện ý chí, nguyện vọng, quyền lợi cũng như trách nhiệm của vợ, chồng về vấn đề tài sản, do đó thỏa thuận này phải được vợ, chồng lập thành văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực. Nếu thỏa thuận chỉ được lập bằng văn bản, có chữ ký của hai vợ chồng là chưa đủ và bị coi là không có giá trị do sai về hình thức.
Vì vậy, việc thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng được lập bằng văn bản và có công chứng hoặc chứng thực sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ quyền lợi của vợ, chồng cũng như đảm bảo cho vợ chồng có trách nhiệm thực hiện đúng những nội dung đã thỏa thuận, hạn chế các tranh chấp xảy ra liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng trong thực tế.
Về nội dung, Điều 48 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định, nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm: Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản; Nội dung khác có liên quan. Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng các Điều 29, 30, 31 và 32 của Luật Hôn nhân và Gia đình và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định.
Tuy nhiên, để hạn chế những thỏa thuận không hợp pháp, không bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan, Điều 50 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong 3 trường hợp.
Cụ thể là không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan; vi phạm một trong các quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 của Luật Hôn nhân và Gia đình; nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình. Quy định này tiếp tục được làm rõ hơn tại Điều 6 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.
Vấn đề phức tạp và nhạy cảm
Với các quy định trên, pháp luật tạo điều kiện cho vợ chồng tự do thỏa thuận định đoạt tài sản của mình nhưng vẫn phải đảm bảo các nghĩa vụ về tài sản mà vợ chồng phải gánh chịu với người thứ ba và các thành viên trong gia đình.
Đồng thời, cũng góp phần ngăn chặn những thỏa thuận được vợ chồng xác lập nhằm mục đích không lành mạnh, trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ dân sự làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người có liên quan; góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng được pháp luật công nhận của cha, mẹ, con và của các thành viên khác trong gia đình.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Đoàn Thị Ngọc Hải, những quy định về chế độ tài sản của vợ chồng được quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa đi sát vào thực tiễn cuộc sống, vẫn còn có những hạn chế, bất cập. Các văn bản quy định chi tiết thi hành và hướng dẫn áp dụng còn thiếu, chưa theo kịp với sự phát triển của xã hội, cần phải được nghiên cứu sửa đổi trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng mặc dù có nhiều văn bản của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, hướng dẫn áp dụng về chế độ tài sản của vợ chồng, nhưng do tính chất phức tạp và rất nhạy cảm từ các quan hệ hôn nhân và gia đình nói chung, trong đó có các tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng.
Thực tiễn áp dụng đã có nhiều quan điểm, nhận thức, đánh giá khác nhau, chưa có sự thống nhất từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cá nhân thực thi pháp luật liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng. Trong báo cáo tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử của ngành Tòa án hàng năm, hầu như đều có các vấn đề về xác định và nguyên tắc chia tài sản giữa vợ chồng.
Điều đó cho thấy các tranh chấp về tài sản giữa vợ chồng luôn là loại việc phức tạp, thường gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi áp dụng và có nhiều bất cập trong công tác thi hành án về chế độ tài sản của vợ chồng.