Hợp lực đẩy mạnh phát triển công nghiệp

(PLVN) -  Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 chỉ tăng 0,3% so với trước đó; đơn hàng của các ngành xuất khẩu chủ lực đang giảm dần. Bộ Công Thương cho biết đang tháo gỡ dần các vướng mắc để các ngành công nghiệp có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.
Quyết sách của các địa phương đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp. (Ảnh minh họa)

Sớm tháo gỡ vướng mắc

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp sau 11 tháng của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 ước chỉ tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2022, IIP ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,2%).

Theo báo cáo, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất Việt Nam đã giảm từ 52,5 điểm của tháng 9 còn 50,6 điểm trong tháng 10, số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại kể từ tháng 9 ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như (dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...), đơn hàng ít hơn dự kiến khiến các nhà sản xuất hạn chế tăng sản lượng từ tháng 10.

Nhận định sản xuất công nghiệp đang đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như (dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...), doanh nghiệp giảm doanh thu, cắt giảm giờ làm, giảm lao động; rủi ro thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn còn hiện hữu, Bộ Công Thương đã đưa ra giải pháp trước mắt là tháo gỡ về vốn, khơi thông dòng tiền cho sản xuất, kinh doanh; kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho phép các doanh nghiệp được tiếp tục các chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng… như thời kỳ dịch bệnh.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước, từng bước thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao. Cụ thể, rà soát các tồn đọng ở các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đi vào vận hành nhằm tăng năng lực sản xuất; tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, cân đối cung - cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng dịp cuối năm.

Ngoài ra Bộ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất với giá cả phù hợp; tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp lớn toàn cầu.

Về lâu dài, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kích cầu đầu tư công các dự án lớn trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông, đồng thời có các giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản để tạo thị trường cho một số ngành hàng như thép, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải… Đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng và phê duyệt các Quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, Quy hoạch ngành quốc gia (Quy hoạch điện 8; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản…) làm căn cứ để thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, dự án sản xuất công nghiệp, năng lượng, khai thác và chế biến khoáng sản… tạo động lực cho tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu và tạo việc làm cho xã hội.

Đề cao vai trò của địa phương

Hiện công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ đang nhận được sự quan tâm đặc biệt với hàng loạt các chính sách được ban hành trong thời gian vừa qua. Trong đó, Nghị quyết số 23NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá và để ra mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện Bộ Công Thương đã và đang có các hoạt động để tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của địa phương cũng ngày càng trở nên rõ nét thông qua việc xây dựng và thực thi các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Ban hành các chính sách ưu dãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù của địa phương, phân bổ các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh cực kinh tế, trong đó có công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.

Dẫn chứng về vai trò của địa phương, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Quảng Ninh là một trong số các tỉnh đã gặt hái được kết quả sau khi hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc quyết liệt thực hiện phát triển công nghiệp.

Cụ thể, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh đã có sự tăng trưởng đột phá, ghi dấu ấn trong bức tranh kinh tế chung của cả tỉnh với mức tăng trưởng cả năm 2021 là 32,19% (gần gấp đôi so với 17% của năm 2020).

Riêng 9 tháng năm 2022, tốc độ tăng trưởng cũng đạt 10,97%; Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP của tỉnh cũng nâng lên từ 9,9% năm 2020 lên 11,9% năm 2021 và tiếp tục tăng lên 12,3% trong 9 tháng của năm 2022.

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp công nghiệp lớn trên thế giới thì quyết sách của từng địa phương sẽ tác động rất lớn đến thu hút đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực nói chung, trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo và phát triển công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Do đó, Bộ Công Thương mong muốn các địa phương chung tay, hợp lực cùng Bộ thực hiện các chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển công nghiệp.

Đọc thêm