Mặc dù trong thời gian qua, việc hợp nhất văn bản đã được quan tâm. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế kỹ thuật trình bày dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong đó có quy định về hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, Quy chế này mới chỉ dừng lại ở việc giao Văn phòng Quốc hội trách nhiệm hợp nhất luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Và cho đến nay, Văn phòng Quốc hội chủ yếu mới chỉ hợp nhất đối với một số văn bản về tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Trong khi đó, đối với các văn bản quy phạm pháp luật khác chiếm tỷ lệ lớn trong hệ thống pháp luật cả về số lượng và tần suất sửa đổi, bổ sung như nghị định, quyết định, nghị quyết liên tịch, thông tư liên tịch, thông tư thì chưa có văn bản nào quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm hợp nhất văn bản.
Nhiều cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi pháp luật cũng tự mình hợp nhất các văn bản sửa đổi, bổ sung với văn bản được sửa đổi, bổ sung để thuận tiện cho hoạt động nghiên cứu, áp dụng pháp luật của mình.
Chẳng hạn, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã biên tập và xuất bản các ấn phẩm như cuốn Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành cùng một số ấn phẩm khác dưới hình thức rà soát các quy định bị sửa đổi, hủy bỏ và lồng ghép bổ sung các quy định mới. Tiếc là các hoạt động ấy mang tính tự phát, tập trung vào một số văn bản thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của mình, chủ yếu lưu hành nội bộ và phục vụ cho chính các cán bộ quản lý, xây dựng chính sách.
Có ý kiến cho rằng, chỉ cần quy định về tính thống nhất của hợp nhất thì hợp nhất văn bản vẫn có thể áp dụng dễ dàng, quảng bá rộng rãi, không mất thời gian, tiền bạc khi đăng Công báo in và hoàn toàn có thể xã hội hóa được. Theo pháp luật hiện hành, chưa có quy định về cơ quan nhà nước có thẩm quyền hợp nhất và cách thức hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật. Còn trên thực tế, đã có một số nhà xuất bản thực hiện việc hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật để in ấn và phát hành.
Nhưng hợp nhất văn bản nào, hợp nhất như thế nào lại do Nhà xuất bản quyết định phù hợp với mục đích kinh doanh của họ, mà không theo một quy trình kỹ thuật thống nhất! Có lẽ vì vậy, khi in ấn và phát hành, để đảm bảo tính chính xác của văn bản quy phạm pháp luật, nhà xuất bản thường cho in đầy đủ văn bản hiện hành, văn bản được sửa đổi, bổ sung, sau đó mới in văn bản được nhà xuất bản hợp nhất thành văn bản mới. Quả là, chuyện tưởng đơn giản hóa ra không!
Thục Quyên