Theo thí nghiệm được công bố trên tạp chí Stem Cell Translational Medicine, nhóm nghiên cứu do TS Soma Banerjee chỉ đạo đã cô lập dạng tế bào gốc đặc biệt tên CD34+, vốn có khả năng kích hoạt sự tăng trưởng của các mạch máu mới.
Họ tiêm trực tiếp dạng tế bào gốc này vào những bộ phận bị tổn thương thông qua động mạch chủ cung cấp máu cho vùng đó. Họ nghiên cứu trên dạng đột quỵ thường gặp nhất là do cục máu đông gây tắc mạch máu não.
Trong thí nghiệm bước đầu, các nhà khoa học đã lấy tế bào gốc từ tủy xương của 5 bệnh nhân vừa bị đột quỵ, trong đó có 4 người bị đột quỵ nặng khiến họ không nói và vận động được.
Kết quả thí nghiệm cho thấy 3 trong số 4 bệnh nhân này có thể đi lại và tự chăm sóc bản thân sau 6 tháng trị liệu. Với sự trợ giúp, cả 5 bệnh nhân đều có thể đi lại và thực hiện các công việc hằng ngày.
Họ nhận định rằng việc can thiệp sớm sẽ cho kết quả khả quan hơn. Các nhà khoa học cũng khuyến khích những nghiên cứu sâu rộng hơn trong lĩnh vực này để có thể sớm áp dụng rộng rãi trong thực tế.
Dù đã có những thí nghiệm điều trị đột quỵ bằng tế bào gốc khác nhưng đây là lần đầu tiên, các nhà khoa học Anh tiếp cận bằng phương pháp này ngay từ tuần đầu tiên bệnh nhân bị đột quỵ.