Đầu mối chuộc người ở Bà Rịa – Vũng Tàu?
Theo ông Nguyễn Từ Thiện, Chủ tịch UBND xã Cát Tiến, ngày 20/5/2014, hai tàu cá của ngư dân xã Cát Tiến là BĐ-30145 TS và tàu BĐ-93359 TS do bà Đoàn Thị Đào (SN 1965) làm chủ, cùng với một tàu cá khác của ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang dừng nghỉ tại tọa độ 5.58 độ vĩ bắc và 106.26 độ kinh đông thì bị tàu Indonesia bắt giữ. Đến ngày 22/5, tàu của bà Đào cùng tàu của ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thả ngay trên biển, riêng tàu của ông Chim bị lai dắt vào đảo Adan Banh - Aren Pha, Indonesia.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an xã Cát Tiến đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng và Công an huyện Phù Cát đến làm việc với ông Phạm Minh (SN 1962, chồng bà Đào), người trực tiếp chỉ huy chuyến biển vừa rồi về lý do vì sao hai tàu được thả, mà tàu còn lại lại bị bắt giữ. Ông Minh trả lời ngắn gọn: “Do tôi năn nỉ quá nên được thả, còn lý do vì sao tàu của ông Chim lại bị bắt giữ thì tôi không rõ”.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Huy, Trưởng Công an xã Cát Tiến: “Nghi vấn ông Minh không tiết lộ đầu mối chuộc người hiện đang tồn tại ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Có thông tin cho rằng sau khi 3 chiếc tàu nói trên bị bắt, ông Minh đã nhận được cuộc điện thoại giao dịch bàn chuộc người giá 800 triệu đồng. Ông Minh và chủ tàu cá ở Bà Rịa - Vũng Tàu đồng ý. Sau khi bà Đào và người nhà của tàu cá ở Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển tiền mặt cho đối tượng môi giới tại Bà Rịa - Vũng Tàu, hai tàu mới được thả”.
Vị Trưởng Công an xã cho biết thêm: “Riêng đối với tàu BĐ-30145 TS, vì thấy số tiền 800 triệu quá lớn nên thương lượng xin giảm. Sau mấy ngày cân nhắc, bên kia đồng ý giảm xuống còn 20.0000 USD (khoảng 450 triệu đồng). Thế nhưng khi ông Chim chạy được tiền thì họ lại không đồng ý, sau đó bắt giữ cả con tàu lẫn 8 thuyền viên”.
Tiếp xúc với Xa lộ Pháp luật, chủ tàu bị bắt (không đi chuyến tàu gặp nạn) cho biết: “Vì thấy số tiền quá lớn, vượt quá khả năng nên tôi thương lượng xim giảm giá. Lúc họ hạ giá xuống 450 triệu đồng, tôi quyết định đi vay mượn. Tôi nghĩ mạng người là quan trọng, lo cho các anh trở về, về bán tàu trả nợ cũng được, thế nhưng không hiểu sao họ lại đổi ý”.
Bị đánh đập, khổ sai?
Đầu năm 2013, tàu BĐ-30145 TS được ông Chim mua và sắm ngư lưới cụ hết 800 triệu đồng để tạo phương tiện cho 3 con trai mưu sinh làm ăn, mới đi chưa được một năm rưỡi thì bị bắt. Ông Chim cho biết: “Bốn bố con đi làm thuê cho người ta, dành dụm mấy chục năm mới có được chút đỉnh tài sản này. Thế mà giờ lại xảy ra sự việc như vậy, lo tài sản một phần, nhưng lo cho những đứa con với bạn biển hơn”.
Cha mẹ một ngư dân bị bắt cóc |
Theo ông Chim, gần hai tháng rưỡi qua, ba con ông là Nguyễn Văn Yến (SN 1987), Nguyễn Văn Nhạn (SN 1988), Nguyễn Văn Sang (SN 1992) và năm bạn biển Phạm Nguyễn Thái Thuận (SN 1999), Võ Văn Tùng (SN 1994), Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Văn Thảo đang bị giam giữ có liên lạc về. Theo lời kể, những người bắt cóc chỉ biệt giam thuyền trưởng Yến, những thuyền viên bị bắt ra ngoài lao động phổ thông, làm đủ chuyện, từ đào giếng đến bốc vác đá, phu hồ…
Ông Chim thuật lại lời kể của những người con: Lúc tàu Indonesia áp sát và cho người sang tàu BĐ-30145 TS, họ đã đánh thuyền trưởng Yến đến ngất xỉu. Trong thời gian bị giam giữ, đôi khi họ vẫn bị đánh đập. “Ở nơi giam giữ, thằng Sang con tôi từng bị đánh vào ngực đến bỏ ăn mấy ngày. Thằng Tùng em vợ nó cũng bị đánh trẹo cánh tay. Qua điện thoại, tôi hỏi bên đó có nhắc lại chuyện chuộc người nữa không? Tụi nó bảo không! Tôi hỏi có nghe đến chuyện khi nào được thả về không? Tụi nó bảo gặp nhiều ngư dân Việt Nam cũng bị bắt giam ở đây hơn 6 tháng trời nhưng cũng không biết ngày về”, ông Chim kể.
Mất tàu, 3 đứa con trai bị giam giữ, gia đình ông Chim lâm vào tình cảnh khốn đốn. Ông cho biết: “Mấy tháng nay không làm ra được đồng bạc nào nên bây giờ trong nhà chẳng còn gì. Bà nhà tôi lặn lội lên Gia Lai làm thuê kiếm tiền gửi về mua gạo ăn. Tội nhất là vợ sắp cưới của thằng Nhạn, đứng ngồi không yên, rồi chẳng ăn uống gì được, mong thằng Nhạn bình yên vô sự trở về để làm đám cưới, nhưng tình hình này không biết đến bao giờ”.
Phía Indonesia cho rằng không giữ tàu BĐ-30145 TS?
Sau khi nhận thông tin về tàu cá bị bắt, ngư dân bị giam ở Indonesia, UBND xã Cát Tiến đã làm văn bản báo cáo Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định. Ngày 11/6, Sở đã có văn bản số 384/SNgV-LS gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia và Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) báo cáo, đề nghị các cơ quan nói trên sớm có biện pháp can thiệp nhằm đưa 8 ngư dân về nước đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, sau khi Đại sứ quán Việt Nam làm việc với ngành chức năng Indonesia thì được Bộ Biển và Nghề cá Indonesia trả lời là ngành chức năng nước này không bắt tàu cá BĐ-30145 TS của ông Nguyễn Chim.
Ông Chim mong mỏi cơ quan chức năng sớm can thiệp sự việc |
Chủ tịch UBND xã Cát Tiến khẳng định: “Sau khi Đại sứ quán Việt Nam làm việc với ngành chức năng Indonesia, chúng tôi nhận được văn bản từ Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định, nội dung văn bản cho biết phía Indonesia trả lời không bắt tàu cá của ông Nguyễn Chim. Thế nhưng qua xác minh của địa phương, người nhà của 8 thuyền viên và chủ tàu Nguyễn Chim vẫn thường xuyên liên lạc với những ngư dân đang bị giam giữ tại đảo Adan Banh-Aden Pha. Do đó, chúng tôi tiếp tục có văn bản đề nghị Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định có biện pháp can thiệp giúp 8 ngư dân đoàn tụ với gia đình”.
Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định, cho biết: “Sau khi đơn vị thông báo đề nghị chủ tàu và thân nhân 8 ngư dân nộp tiền để Quỹ Bảo hộ công dân (Bộ Ngoại giao) làm thủ tục can thiệp trao trả tàu và người, thì chủ tàu đã nộp tiền. Hiện chúng tôi đang giải quyết sự việc, tuy nhiên chưa biết thời gian chính thức trở về Việt Nam của các ngư dân. Còn việc có hay không đường dây bắt ngư dân, đòi tiền chuộc thì tôi chưa nắm được”.
Vị Chủ tịch xã nhận định: “Có thể những người bắt tàu ngư dân của ta với mục đích đòi tiền chuộc. Khi không đạt được thỏa thuận, họ đã đưa ngư dân vào các đảo để làm thuê mà không khai báo cho chính quyền sở tại nên phía Indonesia không nắm được”./.