Huế: Người nuôi trồng thủy sản thất bát vì sản phẩm bị “rút ruột”?

(PLO) - Đầu tư hàng trăm triệu đồng tiền tôm giống, thức ăn cũng như công chăm sóc, thế nhưng kết thúc vụ tôm đa phần các hộ nuôi tôm trên vùng phá Tam Giang  lại thiệt hại nặng nề vì tôm nuôi chết hàng loạt. Bên cạnh chất lượng nguồn giống thì việc sản phẩm xử lý môi trường kém cũng ảnh hưởng đến vụ tôm năm nay.
Cua nuôi xen ghép với tôm chết hàng loạt vì nước bị ô nhiễm

Vụ mùa thất bát của những hộ nuôi tôm

Nuôi tôm gần 15 năm nay nhưng chưa bao giờ ông Phan Mau (58 tuổi, trú tại thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) lại lâm vào tình cảnh như hiện tại.

Vụ tôm năm 2016 ông Mau thả nuôi 35 vạn con tôm sú nuôi xen ghép với cua và cá trên diện tích 2,5 ha. Chỉ 1 tháng sau khi thả nuôi tôm của ông có dấu hiệu chết hàng loạt mặc dù trước đó số tôm này vẫn phát triển bình thường. Vì nuôi xen ghép nên khi số tôm nói trên bị chết đã khiến nguồn nước bị nhiễm bẩn dẫn đến số cua ông nuôi trong hồ cũng chết theo, ước tính của của ông Mau số cua chết khoảng 10 khay với giá trị khoảng 3,5 triệu đồng.

Vì số tôm nói trên chết bất thường nên nửa tháng sau ông Mau đã thả lứa tôm khác, dù vậy lứa tôm này cũng chết không lâu sau đó.

“Tính trung bình mùa này tôi đầu tư hơn 35 triệu đồng tiền giống và thức ăn mà thu lại chưa được một nửa. Tôm chỉ thu được 5 triệu đồng, số cá nuôi xen ghép khoảng 10 triệu”, ông Mau than thở.

Cũng như ông Mau, trong vụ tôm 2016, ông Cao Văn Chậm (thôn Tân Lập, thị trấn Sịa), thả nuôi 40 vạn con tôm giống nuôi xen ghép với cua, cá trên diện tích 3 ha. Những ngày mới thả số tôm này vẫn phát triển bình thường, tuy nhiên đến đầu tháng 5 thì 40 vạn con tôm của ông bắt đầu chết hàng loạt.

Theo ông Chậm, số tôm nuôi chết rất nhanh, khi mới phát hiện cho đến khi chết hàng loạt chỉ diễn ra trong vài ngày. Đa phần tôm của các hộ này nuôi xen ghép với cua và cá nước lợ nên khi tôm chết thì số cua, cá nuôi chung hồ cũng bắt đầu “ngất ngư”. Theo giải thích của ông Chậm, khi tôm chết, xác của chúng sẽ phân hủy và trở thành thức ăn cho cua, khi ăn phải tôm chết vì bệnh số cua này cũng chết theo. Theo ước tính của ông Chậm vụ tôm năm nay ông thiệt hại khoảng 110 triệu đồng cho tiền giống và thức ăn chăn nuôi.

Theo các hộ nuôi tôm tại huyện Quảng Điền, khi có dịch bệnh các hộ nuôi tôm buộc phải bán tháo tôm để thu hồi vốn nhưng thu được cũng chẳng là bao.

Các hộ dân sống tại khu vực phá Tam Giang cho biết, mỗi năm ngoài việc nuôi tôm những hộ này còn đánh bắt tôm cua cá trên vùng phá này. Tuy nhiên năm nay số cá thu lại chẳng có gì.

Nhiều hồ nuôi tôm bỏ hoang vì dịch bệnh

“Trước đây mỗi đêm chúng tôi đánh bắt cũng được 4 hay 5kg tôm, nhưng bữa này chưa đến 1 kg”, một hộ dân cho biết.

Bà Trần Thị Thanh Nhã – Phó phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho hay, trong những lần quan trắc môi trường nước thì nồng độ PH có vượt hơn so với mọi năm, đây có thể là một trong số các nguyên nhân làm tôm chết.

“Dịch bệnh trên tôm qua kiểm tra chủ yếu là bệnh đốm trắng và môi trường do thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa. Nguyên nhân, tại vùng nuôi một số địa phương các hộ dân nuôi tôm chủ quan khi đưa nước vào ao không qua ao lắng, xử lý làm các chỉ tiêu, nguồn nước thay đổi đột ngột, gây “sốc” đối với các đối tượng thủy sản”, bà Nhã cho biết.

Điều đáng nói, thủy sản bị dịch bệnh không chỉ xảy ra ở huyện Quảng Điền mà còn tập trung ở các xã như: Phú Xuân, Phú An… (huyện Phú Vang); Lộc Bình, Vinh Hưng, Lộc Điền, Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc).

Chất lượng thủy sản kém vì bị rút ruột sản phẩm xử lý môi trường?

Nói về tình hình nuôi tôm năm nay trên phá Phá Tam Giang, ông Phan Anh Khôi - cán bộ chi cục thủy sản thuộc sở NN&PTNT tỉnh TT. Huế cho hay, năm gần đây, tình trạng thủy sản nuôi trồng cũng có chết nhưng chỉ xảy ra lác đác. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên mà người nuôi trồng bị thất bát nặng nề khi số lượng tôm, cua, cá chết rất nhiều, trên diện rộng. Theo ông Khôi thì ngoài lý do môi trường và nguồn giống còn có lý do khác đó là người nuôi trồng thủy sản sử dụng hàng loạt sản phẩm để cải tạo, xử lý môi trường trước khi thả nuôi có “vấn đề”.

Từ tháng 4/2016 đến nay, Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế kết hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường và Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành nhiều đợt thanh tra đột xuất, đấu tranh phòng chống việc sản xuất kinh doanh trái phép sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường và thức ăn trong nuôi trồng thủy sản.

Sản phẩm xử lý môi trường vi phạm bị thu giữ (ảnh do Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế cung cấp)

Qua kiểm tra,  Chi cục Thủy sản đã ban hành 2 Quyết định xử phạt tổng cộng 91 triệu đồng đối với những vụ việc vượt quá thẩm quyền phía chi cục đã chuyển hồ lên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra 2 Quyết định xử phạt khác. Tổng cộng 189 triệu đồng các Công ty đã chấp hành nộp vào Kho bạc Nhà nước. Có tổng cộng 32 sản phẩm vi phạm, gồm: 29 chất xử lý, cải tạo môi trường của 10 Công ty và 3 sản phẩm bổ sung thức ăn nuôi trồng thủy sản (các Công ty này đều nằm tại thành phố Hồ Chi Minh, chỉ 1 Công ty thuộc tỉnh Khánh Hòa). Tổng trọng lượng 558 kg, trong 144 đơn vị (thùng, gói, hộp, chai, bì) sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản buộc phải tiêu hủy. Các sản phẩm thức ăn bổ sung kém chất lượng gồm 357 hủ, bì, gói trọng lượng đến 178,5 kg buộc phải chuyển đổi mục đích sử dụng.

Hiện tại, Chi cục Thủy sản đang lưu giữ tiêu bản 32 sản phẩm vi phạm nói trên, để phục vụ cho công tác đấu tranh phòng chống vi phạm và tuyên truyền cho nhân dân không sử dụng các sản phẩm kém chất lượng, không có tên trong danh mục được phép lưu hành của Bộ.

Trao đổi với PV, Ông Nguyễn Quang Vinh Bình- Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh TT-Huế cho biết, việc sử dụng hàng cấm, hàng giả các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản khiến người tiêu dùng sẽ rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang” vì đã không giúp gì cho đối tượng nuôi, mà còn có nguy cơ gây hại cho con người, vật nuôi và môi trường lâu dài.

Ông Bình cho biết thêm, trong số các sản phẩm dành cho nuôi trồng thủy sản hiện có nhiều sản phẩm có chất lượng không giống như trên quảng cáo ở bao bì. Dẫn chứng cho điều này ông Bình cho hay, các sản phẩm quảng cáo có Vitamin B1, E, C mặc dù có nhưng hàm lượng lại rất thấp. về hành động này ông Bình cho hay đây là việc làm rút ruột những chất chính trong sản phẩm, có những chất chính trong một số sản phẩm chỉ có 0%.

Khi thủy sản dùng những loại thức ăn này ngoài việc thiếu hàm lượng chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng còn có thể gây nên dịch bệnh.

Đọc thêm