'Hụi chết' đổ lên gánh hàng rong

(PLO) - Một ông Đội phó Đội Quy tắc trật tự đô thị ở Nghệ An bị bắt quả tang tại nhà riêng khi đang nhận tiền của những người bán hàng trên vỉa hè trước cổng bệnh viện nơi địa bàn mà ông quản lý. Số tiền này họ phải nộp cho ông để ông làm ngơ cho họ bán hàng, gọi là hối lộ cũng chẳng sai, tuy nhiên, vì người đưa hối lộ bị bắt buộc phải nộp nên tiền này dân dã gọi là “hụi chết”, “giữ chỗ”, “bảo kê”... 
Ảnh minh họa từ internet.

Sự việc nhỏ nhưng nhiều báo đưa, không phải là sự hấp dẫn hoặc tính giật gân của sự kiện mà là hiện tượng “hụi chết” này khá phổ biến nhưng để phanh phui ra một vụ thì hiếm.

Cũng từ cái vụ việc nhỏ này mà có thể lý giải những chuyện lớn ở tầm quy mô, trả lời cho câu hỏi: Vì sao vỉa hè bị chiếm dụng để buôn bán, kinh doanh, giữ xe... diễn ra nhiều năm mà chính quyền bất lực, không thể trả lại cho vỉa hè sự thông thoáng cần thiết. Đơn giản, những người sử dụng vỉa hè như của mình đã đóng “hụi chết” cho những lực lượng chức năng cả rồi, ai có thể dẹp được họ nữa và tất cả “tội lỗi” đổ hết lên mấy gánh hàng rong nghèo khổ khi một số người trong lực lượng trật tự đô thị muốn ra oai, lập thành tích, gây nên những hình ảnh phản cảm và vô đạo.

Tương tự, như nạn bảo kê xe tải, báo chí phát hiện rất nhiều, ở các địa bàn khác nhau nhưng chẳng giải quyết đến đầu đến đũa bởi ai cũng có phần. Đến khi xảy ra những vụ lớn như ở Cần Thơ, vài anh cán bộ giao thông mà đút túi hàng tỷ đồng vỡ lở thì những người có trách nhiệm mới “thấy bất ngờ”. 

Câu chuyện về sự thông đồng giữa một bộ phận lực lượng bảo vệ rừng với lâm tặc thì dư luận đồn thổi đã quá nhiều. Đơn giản là rừng bị phá tan hoang mà ai cũng biết, chỉ riêng lực lượng bảo vệ, chính quyền địa phương là không biết. Hãy nhìn hiện tượng này từ xóm Gốc Mít (Yên Bái) qua phóng sự của các phóng viên Báo Pháp luật thì thấy rõ, rừng bị làm sạch hàng chục héc ta, dân báo không ai nghe, phóng viên về làm việc với xã thì xã chỉ lên huyện.

Huyện bảo có người dân phá 200m2 rừng, xử lý rồi. Về xã, trước sự thật không thể chối cãi thì xã thừa nhận “chỉ có chừng khoảng 8ha” rừng bị phá thôi. Tương tự, Lâm trường Đức Hà (Đắk Nông) để cho 2.600ha rừng trong khu vực mình quản lý bị làm trọc, báo cáo là chỉ mất 67ha, số rừng bị phá còn lại Lâm trường vẫn cho là mình đang quản lý, tiếp tục xin kinh phí để bảo vệ(?!). Cũng giống như các vị quan chức ngành Giao thông Cần Thơ, các cán bộ có trách nhiệm ở các địa bàn rừng bị phá này đều không biết, tuy không làm ra vẻ “bị bất ngờ”.

Những việc vi phạm pháp luật xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật thuộc địa bàn của chính quyền địa phương quản lý. Thế mà các vị làm ngơ, còn tỏ thái độ bất hợp tác khi báo chí giúp các vị quản lý chặt chẽ hơn trong trách nhiệm của các vị. Chỉ có thể giải thích cái động thái thiếu trách nhiệm, cố tình làm ngơ này là không thể há miệng vì trót mắc quai rồi!.

Đọc thêm