Nạn nhân bị tử vong do “vỡ xương nền sọ, chảy máu não lan tỏa sau chấn thương sọ não kín” nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Văn Bàn (Lào Cai) vẫn cho rằng các bị cáo “không có ý thức tước đoạt tính mạng nạn nhân” và chỉ xử lý về tội “Cố ý gây thương tích”.
Điều tra bổ sung vẫn không làm rõ thủ phạm của 3 vết chém
Theo Cáo trạng của VKSND huyện Văn Bàn, chiều 23/11/2017, Bàn Văn An (SN 1991), Vi Văn Đạt (SN 1999), Lý Văn Huấn (SN 1996, đều trú tại xã Tân An, huyện Văn Bàn), Lý Văn Quý (SN 1998, xã Tân Thượng, Văn Bàn) cùng một số bạn đang nướng gà, uống rượu ra khu vực bờ kè Sông Hồng (xã Tân An) thì anh Bùi Việt Hoàng (SN 1993, xã Tân An) cùng bạn (tên Long) đến để giải quyết mâu thuẫn.
Sau khi xảy ra xô sát, anh Hoàng bị An đẩy ngã và ngồi lên bụng, dùng hai tay đấm liên tiếp vào vùng mặt, vùng đầu. Sau An, đến lượt nhảy vào, dùng phần bản dao đập mạnh vào mông anh Hoàng và đá liên tiếp vào sườn, đầu, mặt, trán anh này. Lý Văn Huấn thấy vậy cũng đập bản dao vào thái dương phải anh Hoàng. Khi lưỡi dao rơi khỏi chuôi (trúng vào trán anh Hoàng) thì Huấn dùng chân đá 3-4 phát vào thái dương anh Hoàng. Trong khi đó, Lý Văn Quý đấm vào gò má trái của Hoàng rồi đứng dậy dùng chân đá nhiều phát vào vùng sườn vùng đầu và thái dương anh Hoàng. Khi anh Hoàng đẩy rê người về bờ sông thì bị An tiếp tục ngồi lên bụng, túm tóc, nhấc đầu lên để đập liên tiếp 3-4 phát xuống gờ bê tông chân lan can bờ kè.
Anh Hoàng được đưa đi cấp cứu nhưng 3 ngày sau thì tử vong do “vỡ xương nền sọ, chảy máu não lan tỏa sau chấn thương sọ não kín”. Tuy vụ án có hậu quả chết người nhưng các bị cáo An, Huấn, Đạt, Quý chỉ bị khởi tố và truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” (khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999). Trong khi đó, gia đình nạn nhân kiên quyết đề nghị phải xử lý các bị cáo về tội “Giết người” mới đảm bảo đúng quy định và không sót người, lọt tội.
Chính vì vậy, tại phiên xử sơ thẩm (lần 1) vào ngày 26/6/2018, HĐXX TAND huyện Văn Bàn đã quyết định trả hồ sơ, yêu cầu VKSND huyện Văn Bàn làm rõ thủ phạm gây ra 3 vết thương ở vùng đầu bị hại và xác định chân các bị cáo đi gì khi đá vào đầu, mặt bị hại; Khi điều tra bổ sung, nếu đủ dấu hiệu của tội nặng hơn thì chuyển Tòa có thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, sau khi tiến hành thu thập chứng cứ bổ sung, VKSND huyện Văn Bàn vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo theo nội dung bản cáo trạng cũ.
Đồng tình với quan điểm truy tố này, ngày 21/8 vừa qua, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND huyện Văn Bàn (Lào Cai) đã tuyên phạt bị cáo Bàn Văn An (SN 1991) 9 năm tù; Lý Văn Huấn (SN 1996) 8 năm 6 tháng tù; Vi Văn Đạt (SN 1999) và Lý Văn Quý (SN 1998), mỗi bị cáo 8 năm tù, cùng về tội “Cố ý thương tích” (khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999).
Sẽ là “tiền lệ nguy hiểm” trong đấu tranh, phòng chống tội phạm?
Đánh giá về diễn biến trên, Luật sư (LS) Nhâm Mạnh Hà (Cty Luật TNHH Luật Gia Vũ Hà Nội - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Hoàng Thị Huệ, đại diện hợp pháp của bị hại) cho rằng, với quyết định trên, HĐXX đã có dấu hiệu của sự “bất nhất” và thiếu kiên định. Thể hiện ở chỗ: Tại phiên tòa sơ thẩm lần 1, HĐXX đã không thể đưa ra phán quyết vì cho rằng cần phải điều tra bổ sung để làm rõ một số tình tiết quan trọng của vụ án.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2, vẫn chỉ là bản Cáo trạng cũ và việc điều tra bổ sung đã không làm rõ được yêu cầu chính nhưng HĐXX vẫn có phán quyết về tội danh và hình phạt của các bị cáo. Quan trọng hơn, qua phiên tòa này, HĐXX vẫn chưa làm rõ 3 vết thương rách da (do vật có cạnh sắc) gây ra ở vùng đỉnh chẩm, cùng thái dương và chính giữa cung lông mày phải của bị hại là do ai gây ra? Chưa làm rõ việc Huấn dùng dao đập (theo hướng bạt ngang) vào thái dương nạn nhân thì lưỡi dao (tuột khỏi chuôi) có thể rơi trúng giữa trán nạn nhân (gây nên vết dài 6cm) được hay không? Chưa làm rõ về mâu thuẫn trước đó giữa các bị cáo và nạn nhân như thế nào?
Không đồng tình với phán quyết của TAND huyện Văn Bàn, bà Hoàng Thị Huệ (mẹ nạn nhân Hoàng) đã có đơn kháng cáo, đề nghị hủy án sơ thẩm để chuyển tội danh truy tố thành “Giết người”.
Cùng quan điểm này, LS Lê Thanh Yên (Cty Luật TNHH Luật Gia Vũ Hà Nội - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Huệ) khẳng định, các bị cáo đều biết rằng vùng đầu, mặt là vùng trọng yếu nhất trên cơ thể con người mà nếu tác động vào đây thì sẽ dễ gây tử vong. Tuy nhiên, các bị cáo đều chủ động tấn công nạn nhân một cách quyết liệt, liên tục. Khi nạn nhân bất tỉnh, không còn sức chống đỡ các bị cáo vẫn đấm, đá, đạp vào đầu, vào mặt. Dù có người can ngăn nhưng các bị cáo vẫn quyết tâm tấn công. Riêng Huấn còn dùng dao đập vào vùng thái dương nạn nhân. Còn Bàn Văn An thì nắm tóc để đập đầu nạn nhân liên tiếp xuống gờ kè bê tông.
Theo kết luận giám định, nạn nhân bị vỡ xương sàng, xương bướm, xương mũi, vách ngăn mũi; xương nền sọ có đường vỡ dích dắc phức tạp… chứng tỏ các bị cáo đã tấn công dữ dội với lực rất mạnh và quyết liệt.
Theo LS Yên, ông phản đối quan điểm của Kiểm sát viên và HĐXX sơ thẩm rằng, tuy các bị cáo có cầm dao nhưng đã không dùng hung khí này để đâm chém bị hại, tức là không có ý định tước đoạt tính mạng của bị hại. Vì theo giám định thì trên vùng đầu, mặt bị hại có tổng cộng có 6 vết thương rách da do vật có cạnh sắc gây nên nhưng HĐXX vẫn chưa làm rõ thủ phạm và việc hình thành những vết thương này như thế nào thì làm sao có thể kết luận các bị cáo đã không sử dụng dao để chém nạn nhân?
Hơn nữa, các bị cáo cũng không chủ động dừng tấn công vì theo hồ sơ thì đã có nhiều người căn ngăn. Huấn chỉ dừng hành vi “đập dao” của mình khi bị lưỡi dao tuột khỏi chuôi. Còn An thì phải đến khi có người cảnh báo rằng “nạn nhân chết rồi” và lúc đó, bị cáo này bị choáng, không đánh được nữa thì mới dừng tay, không đập đầu nạn nhân xuống gờ bê tông nữa.
Còn trong vụ án này, nếu các bị cáo chỉ bị xét xử về tội “Cố ý gây thương tích”, cùng với việc đăng tải bản án lên “Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án” thì chắc chắn, đây sẽ là một “tiền lệ” để mọi người so sánh, đối chiếu với nhiều vụ án “Giết người” có diễn biến, nội dung tương tự./.