Bước chuyển biến mạnh mẽ
Năm vừa qua, công tác hành chính tư pháp tỉnh Hưng Yên đã ghi nhiều dấu ấn mang tính đột phá trong công tác quản lý Nhà nước và cải cách thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hộ tịch, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, bồi thường Nhà nước góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành tư pháp.
Cụ thể, sau gần 3 năm triển khai (2016-1018) việc thực hiện Luật Hộ tịch đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Để đánh giá một cách toàn diện kết quả thi hành Luật, Sở Tư pháp Hưng Yên đã chủ động, phối hợp với Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp chứng chỉ cho 170 công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 1850/UBND-NC ngày 04/7/2018 về việc triển khai thực hiện điều chỉnh thông tin hộ tịch cá nhân trong các giấy tờ; đồng thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp những vướng mắc khó khăn của cơ quan đăng ký hộ tịch các cấp, như: Hướng dẫn ghi chú hộ tịch; cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; cung cấp thông tin liên quan đến giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài sử dụng để đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; cách ghi tên gọi Đài Loan trong giấy tờ hộ tịch; đổi tên; nghiệp vụ đăng ký lại khai sinh; hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch…
Nhằm tăng cường giải quyết nuôi con nuôi trong tình hình mới, Sở đã thực hiện xong 4 hồ sơ nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài do Bộ Tư pháp chuyển về (trường hợp xin đích danh). 10 huyện, thành phố đã thụ lý và giải quyết việc nuôi con nuôi 28 trường hợp. Tổ chức 1 lớp tập huấn nghiệp vụ nuôi con nuôi cho công chức tư pháp-hộ tịch cấp xã, cấp huyện trên địa bàn tỉnh; tiến hành kiểm tra 16 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi trong nước năm 2017 đối với 14 xã, phường, thị trấn. Qua kiểm tra, Sở đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ nuôi con nuôi trong nước, tư vấn về trình tự, thủ tục cho người dân có nhu cầu xin nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài thông qua thủ tục giới thiệu trẻ và trường hợp nhận con riêng, cháu ruột làm con nuôi…
Giám đốc Sở Tư pháp Hưng Yên Nguyễn Đình Chung |
Về công tác lý lịch tư pháp, Sở đã ký hợp đồng với Bưu điện tỉnh Hưng Yên về việc cung ứng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) qua dịch vụ bưu chính công ích. Bên cạnh đó, Sở cũng báo cáo UBND tỉnh cho phép triển khai cấp Phiếu LLTP trực tuyến mức độ 3 trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến tỉnh Hưng Yên, đồng thời tích cực hoàn thiện và đưa vào sử dụng phần mềm liên thông trong việc xác minh, tra cứu thông tin lý lịch tư pháp giữa Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh và ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác lý lịch tư pháp ở địa phương.
Liên quan đến công tác bồi thường nhà nước, Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 05/02/2018 về việc triển khai thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2018 trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng đã ban hành Kế hoạch số 110/KH-STP ngày 02/02/2018, Quyết định số 159/QĐ-STP ngày 01/3/2018 về việc kiểm tra công tác bồi thường nhà nước đối với 2 huyện Yên Mỹ và Kim Động. Tổ chức 1 lớp tập huấn nghiệp vụ bồi thường nhà nước cho công chức làm công tác bồi thường nhà nước của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và công chức tư pháp-hộ tịch cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Bên cạnh đó, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) theo quy định của Luật PBGDPL, Sở Tư pháp Hưng Yên đã ban hành kế hoạch phổ biến, giác dục pháp luật của Sở với nhiều mục tiêu trọng tâm.
Cụ thể, năm 2019 Sở tập trung tuyên truyền, phổ biến các Luật, Pháp lệnh mới được Quốc hội thông qua năm 2018, năm 2019 và các chính sách pháp luật quan trọng đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện; các quy định pháp luật, dự thảo luật, pháp lệnh liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lơi ích của người dân, doanh nghiệp mà trọng tâm là các lĩnh vực cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, hỗ trợ khởi nghiệp; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Hiến Pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật An ninh mạng; Luật Phòng, chống tham nhũng…
Trong năm 2018, Sở Tư pháp đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho 300 tổ trưởng, tổ viên tổ hòa giải; biên soạn 80 loại tờ gấp, hàng chục bộ tài liệu, đề cương tuyên truyền để cung cấp cho các tổ hòa giải và hòa giải viên trong tỉnh. Kết quả, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiến hành hòa giải thành 1.010/1.215 vụ đạt tỷ lệ trên 83%. Do đó, trong năm 2019, Sở Tư pháp Hưng Yên tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở để kịp thời giải tỏa các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư. Thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn mạng lưới Tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên gắn với bồi dưỡng nâng cao năng lực, phát huy đầy đủ vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở.
Chi đoàn Sở Tư pháp Hưng Yên và các hoạt động tình nguyện |
Thông qua đó, Sở cũng đưa ra phương hướng, thực hiện nhiệm vụ PBGDPL trong nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy, học tập môn học pháp luật, môn giáo dục công dân theo hướng tiên tiến, hiện đại, phù hợp; chỉ đạo, phối hợp triển khai các chương trình, đề án về PBGDPL, PBGDPL cho các đối tượng đặc thù. Rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; nâng cao năng lực bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật chuyên sâu gắn với thực hiện Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ về PBGDPL cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.
Đồng thời biên soạn, in và phát hành tài liệu tuyên truyền, PBGDPL; chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành, đoàn thể, địa phương tự kiểm tra và tổ chức kiểm tra về công tác PBGDPL năm 2019; nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đồng thời đánh giá thực trạng hoạt động; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Còn nhiều vướng mắc...
Trao đổi với PV báo PLVN, ông Nguyễn Đình Chung – Giám đốc Sở Tư Pháp Hưng Yên chia sẻ: Bên cạnh những kết quả đạt được công tác hành chính tư pháp vẫn còn những hạn chế, khó khăn như vẫn còn một số vướng mắc khi triển khai thực hiện việc xóa án tích do chưa có văn bản quy phạm nào quy định cơ chế thực hiện; bổ sung Số định danh cá nhân cho các trường hợp đã đăng ký khai sinh gặp nhiều khó khăn do việc cấp Số định danh cá nhân theo quy định của Luật Hộ tịch mới được thực hiện ở 4 thành phố trực thuộc Trung ương là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng và huyện Quế Phong của tỉnh Nghệ An; một số quy định của Luật Hộ tịch, Luật Nuôi con nuôi, Luật Quốc tịch chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc áp dụng không thống nhất và khó khăn khi xác định thẩm quyền…
Trên cơ sở đó, ông Chung cho biết thêm Sở Tư pháp Hưng Yên đặt ra phương hướng nhiệm vụ cho năm 2019, cụ thể là tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả cho hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch; tăng cường quản lý nhà nước công tác chứng thực, kịp thời phát hiện những thiếu sót và những khó khăn, vướng mắc để uốn nắn, giải quyết; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành trong tình hình mới; tích cực tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi ở địa phương; Đẩy mạnh việc cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính công ích, đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến; thực hiện và quản lý tốt cơ sở dữ liệu LLTP, bảo đảm kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu LLTP với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan...