Hưng Yên tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Hình sự năm 2015

(PLO) -Sáng 9/10, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (HĐPHPBGDPL) tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Hình sự năm 2015. 
Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên – Chủ tịch HĐPHPBGDPL tỉnh, ông Nguyễn Minh Quang; Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp, ông Trần Văn Dũng; Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên – Phó Chủ tịch thường trực HĐPHPBGDPL tỉnh, ông Nguyễn Đình Chung cùng hàng trăm đại biểu là thành viên, Tổ giúp việc Hội đồng, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh…
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Minh Quang cho biết, Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều nội dung mới, trong đó có những nội dung mang tính chất đột phá trên tinh thần đổi mới nhận thức. “Điều này thể hiện rõ ở tính hướng thiện, tính nhân đạo như mở rộng áp dụng các hình phạt ngoài tù, hạn chế hình phạt tử hình, tiếp tục nhân đạo hóa chính sách hình sự đối với người chưa thành niên chưa phạm tội trên tinh thần vì lợi ích của các em”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nói.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay Bộ luật Hình sự năm 2015 liên quan đến tất cả các lĩnh vực công tác của các ngành, các cấp, mọi mặt của đời sống xã hội. Thông qua Hội tuyên truyền, phổ biến, ông Quang tin các báo cáo viên, tuyên truyền viên, tổ trưởng tổ hòa giải sẽ nắm chắc hơn nội dung của Bộ luật, phân biệt được các hành vi nào bị nghiêm cấm, hành vi nào cấu thành tội phạm… 

Ông Quang hy vọng sau Hội nghị, việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của Bộ luật Hình sự tới cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân sẽ được đẩy mạnh hơn nữa để từ đó làm cơ sở cho việc thực hiện pháp luật trên các nội dung: tuân thủ, thi hành, sử dụng và áp dụng pháp luật được chính xác, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật của Hiến pháp năm 2013.
Ông Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên
Ông Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên

Giới thiệu những nội dung cơ bản của Bộ luật hình sự năm 2015, ông Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm 3 phần, 26 chương, 426 điều. So với Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Bộ luật này đã bãi bỏ 3 điều, sửa đổi, bổ sung 396 điều.

Theo đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng theo tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý  người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi các quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp.  

 
Cụ thể là hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt ngoài tù. “Những hành vi không đáng phạt tù thì không nên áp dụng hình phạt tù, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và môi trường. Nhiều khung, khoản trong lĩnh vực này không còn hình phạt tù nữa mà là phạt tiền”, ông Trần Văn Dũng nói. 
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng có sự điều chỉnh mạnh mẽ trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các em, trên tinh thần bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên. “Và lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự nước ta có chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại”, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự - hành chính nói.
Theo ông Dũng, nếu không quy định pháp nhân là chủ thể tội phạm thì không giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại hiện nay. Ví dụ một công ty xả thải gây ra thiệt hại với hàng trăm hộ dân nuôi cá trên sông. Nếu chỉ xử lý cá nhân là ông giám đốc hay người phụ trách việc xả thải thì người dân bị thiệt hại biết phải làm sao?. Do đó, ông Dũng cho rằng, cần quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.
Bế mạc Hội nghị, ông Nguyễn Đình Chung, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên gửi lời cảm ơn tới toàn thể Hội nghị. Theo ông Chung, ngoài việc thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các ban, ngành, địa phương trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, cần vận động các tầng lớp nhân dân tự giác thực hiện các quy định của pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng, từ đó nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật.

Đọc thêm