Hưởng án treo không phải do "quan tòa" nương nhẹ

Trước những chất vấn của cử tri đối với công tác tư pháp, sáng nay, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TAND TC) Trương Hòa Bình đăng đàn QH. Hai vấn đề liên quan đến công tác ngành Tòa án mà ông trả lời cử tri là việc tuyên án không rõ ràng và tình trạng án treo trong loại tội phạm kinh tế, tham nhũng quá nhiều.

[links()] Trước những chất vấn của cử tri đối với công tác tư pháp, sáng nay, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TAND TC) Trương Hòa Bình đăng đàn QH. Hai vấn đề liên quan đến công tác ngành Tòa án mà ông trả lời cử tri là việc tuyên án không rõ ràng và tình trạng án treo trong loại tội phạm kinh tế, tham nhũng quá nhiều.

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình

Không khó để giải quyết án tuyên không rõ

Theo Chánh án TANDTC, có hai đại biểu nêu vấn đề án tuyên không rõ, nên có thể gây ra dư luận xã hội có đánh giá về tính nghiêm minh của pháp luật. Vấn đề này Chánh án cũng đã trả lời nhiều lần tại diễn đàn Quốc hội. Việc bản án tuyên không rõ dẫn đến không thi hành án được phải trên cơ sở có sự thống kê thống nhất của 3 cơ quan.

Thống kê của Bộ Tư pháp có nêu trong năm 2011 và năm 2012 số bản án tuyên không rõ ràng là trên 1.000, trên tổng số hàng vài trăm ngàn vụ án xét xử.

Chánh án đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu toà án các cấp phối hợp với Viện kiểm sát và cơ quan thi hành án phân loại cho rõ, bản án nào đã tuyên rõ, nhưng cơ quan thi hành án chưa thi hành. Bản án nào tuyên không rõ, phải phân loại.

Án tuyên không rõ mà có thể giải thích được thì giải thích rõ để thi hành. Bản án nào tuyên không rõ, không thể thi hành được thì phải kiến nghị, kháng nghị để giải quyết lại, tuyên lại cho rõ. Bản án nào đã tuyên rõ nhưng cơ quan thi hành án chưa thi hành thì 3 cơ quan đều phải có trách nhiệm.

Nếu án tuyên không rõ, cơ quan thi hành án không thi hành được thì phải có trách nhiệm kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, hoặc Chánh án tòa án địa phương theo thẩm quyền để kháng nghị.

Viện kiểm sát nhân dân cũng phải có trách nhiệm giám sát kiểm tra, kiểm sát hoạt động thi hành án và thấy bản án tuyên không rõ, không thể thi hành được thì cũng phải có kiến nghị Viện trưởng hoặc Chánh án để kháng nghị và tòa án cũng thế.

Chánh án TANDTC cho biết, theo cơ chế này, 6 tháng đầu năm nay ngành tòa án kiểm tra có 79 bản án tuyên không rõ, đây là con số không lớn. Trong đó, có 72 vụ tòa án đã giải thích và tiến hành thi hành án được. Còn 7 vụ có kháng nghị.

“Chúng tôi cũng đang vận hành cơ chế phối hợp này và sẽ phối hợp liên ngành để xây dựng thành một thông tư liên ngành chỉ đạo việc thực hiện thi hành án cho hiệu quả. Đây là vấn đề xin báo cáo rõ lại với Quốc hội một lần nữa và để dư luận xã hội có những đánh giá cho đúng về việc án tuyên không rõ”, ông nói.

"Quan trọng là việc tuyên án có đúng quy định pháp luật hay không"

Về tỉ lệ án treo được cho là quá cao trong lĩnh vực tội kinh tế và tham nhũng, Chánh án TANDTC cho biết, vấn đề này cũng đã báo cáo QH. Theo số liệu năm 2010, số án treo là 36,5%, năm 2011 là 37,1%, năm 2012 là 30,2%. Con số có chiều hướng giảm.

Theo quan điểm của người đứng đầu hệ thống tòa án, đánh giá việc án treo không phải là đánh giá trên con số, mà phải đánh giá là bản án treo có đúng hay không theo quy định của pháp luật.

Ông lý giải: Vì đây là một chế định của pháp luật cho bị cáo được miễn chấp hành hình phạt tù có thời hạn và theo quy định của pháp luật, khi bị cáo hội đủ những điều kiện đó thì Tòa án phải cho hưởng án treo.

“Chúng tôi đã có giải pháp quyết liệt là hàng năm có nhiều đợt kiểm tra việc chấp hành án treo và gần đây cũng đã yêu cầu các Tòa án khi xét xử có bản án treo thì phải gửi về Tòa án tối cao để giám đốc kiểm tra việc án treo có đúng pháp luật hay không.

Qua kết quả kiểm tra nói chung, cơ bản việc các Tòa án cho hưởng án treo đúng pháp luật, có một số vụ không đúng pháp luật, chiếm tỷ lệ khoảng 0,065% trên tổng số vụ án xét xử và chúng tôi sẽ tiếp tục làm quyết liệt để chấp hành theo tinh thần Nghị quyết 37 của Quốc hội”, ông Trương Hòa Bình nói.

Giải pháp được Chánh án TAND TC đưa ra là xây dựng thông tư liên tịch để đảm bảo các điều kiện chấp hành án treo phải đúng pháp luật, nghiêm minh, nhất là đối với án tham nhũng. Bên cạnh đó, sẽ đề xuất, kiến nghị để bổ sung điều chỉnh lại điều về cho án treo và Điều 46 BLHS, tức là tình tiết giảm nhẹ của Luật hình sự, để đảm bảo pháp luật được thực hiện theo đúng chính sách hình sự của Đảng có khoan hồng, nhưng cũng đảm bảo tính răn đe đối với những trường hợp phạm tội cầm đầu, chủ mưu, thủ ác...

Nhật Thanh

Đọc thêm