Hướng công tác tư pháp ngày càng gần dân

(PLO) - Chiều qua (29/8), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã chủ trì Hội nghị nội bộ sơ kết công tác tư pháp 7 tháng đầu năm 2014 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác những tháng cuối năm 2014. Nhiều vấn đề “nóng” được nêu lên, bàn giải pháp gỡ vướng để công tác tư pháp tiếp tục đạt hiệu quả, gần dân hơn nữa.
Hướng công tác tư pháp  ngày càng gần dân
Đạt được nhiều kết quả tích cực
Báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp 7 tháng đầu năm, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền cho biết, 7 tháng vừa qua, tình hình kinh tế trong nước có nhiều thuận lợi cũng như không ít khó khăn, thách thức, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp nhưng được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, cơ quan, địa phương, sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp, công tác tư pháp đã được triển khai đầy đủ, cơ bản bám sát các nhóm nhiệm vụ trọng tâm đặt ra từ đầu năm, đạt được những kết quả tích cực. 
Tính đến hết tháng 8, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp phải hoàn thành 53 nhiệm vụ theo kế hoạch, đã hoàn thành 39 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 73,58%. Các kết quả đạt được góp phần quan trọng vào việc ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, qua đó vị thế của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng được khẳng định.
Cụ thể, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành làm tốt công tác triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội với nhiều giải pháp quyết liệt (Chính phủ, Thủ trướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành 67/106 văn bản, Bộ Tư pháp hoàn thành 28/31 văn bản). Bộ cũng chú trọng nâng cao chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm vai trò “gác cổng” về thể chế cho các cơ quan Trung ương, địa phương, gắn kết chặt chẽ hơn với công tác kiểm soát thủ tục hành chính.
Nhằm phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu thi hành án dân sự (THADS) được giao, Bộ cùng cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan THADS thực hiện đồng bộ các giải pháp. Nhờ vậy đã thi hành xong đạt tỷ lệ 69,84% về việc (tăng 1,33% so với cùng kỳ năm 2013) và 40,9% về tiền (tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2013). Đến nay, tất cả các địa phương đều đã có Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, thành lập được 46 Văn phòng Thừa phát lại, bổ nhiệm 205 Thừa phát lại và cấp thẻ cho 137 trường hợp. Các yêu cầu của công dân trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp đều giải quyết tốt, không để xảy ra sai sót lớn…
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, bất cập như việc rà soát, lập danh mục văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp còn chậm; chất lượng thẩm định văn bản được cải thiện một bước song một số trường hợp còn thiếu tính bao quát, để lọt nội dung thiếu tính khả thi. Kết quả THADS xong về việc và tiền cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 nhưng chưa có sự đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở còn chậm, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số địa bàn chưa đi vào thực chất, xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý không đồng đều giữa các địa phương…
Nhiều hiến kế để triển khai công tác tư pháp hiệu quả
Thảo luận về tình hình triển khai công tác 7 tháng đầu năm, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cơ bản nhất trí với những đánh giá về kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những vướng mắc, tồn tại và cùng nhau bàn giải pháp, đưa ra những đề xuất, kiến nghị để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng còn lại. 
Chẳng hạn, cùng với tiếp tục triển khai đồng bộ Kế hoạch của Chính phủ về thi hành Hiến pháp thì cần ưu tiên tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, nhất là trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, doanh nghiệp như thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, những thủ tục thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; chỉ đạo thực hiện Nghị định 55 về pháp chế và quan tâm giải quyết một số kiến nghị của Tư pháp địa phương…
Ghi nhận và hoan nghênh những kết quả đạt được, những cố gắng của ngành Tư pháp, đồng thời chia sẻ những khó khăn trong công tác những tháng đầu năm, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đặc biệt lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện của thời gian tới, trong đó phải tập trung nguồn lực, xây dựng có chất lượng, bảo đảm tiến độ các Dự án Luật THADS, Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật Hộ tịch, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Pháp lệnh Đào tạo các chức danh tư pháp. 
Bộ trưởng cũng chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức thực hiện thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 01/2009 nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” khi chức năng, nhiệm vụ được mở rộng nhưng biên chế rất bất cập tại một số địa phương; nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, việc phối kết hợp giữa các đơn vị; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin mới nhanh chóng đáp ứng được các yêu cầu của người dân đối với công tác tư pháp… 
Cục trưởng Cục Con nuôi Nguyễn Văn Bình đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra không chỉ đối với lĩnh vực nuôi con nuôi mà cả các lĩnh vực khác, không để xảy ra tình trạng “cháy nhà mới ra mặt chuột” như vụ ở chùa Bồ Đề vừa qua. Vụ việc này không liên quan đến con nuôi nhưng liên quan đến hộ tịch khi có tới hàng chục trẻ không được khai sinh ngay giữa Thủ đô. 
Nói thêm về vụ việc ở chùa Bồ Đề, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.Hà Nội Phạm Thanh Cao cho biết, Sở đã làm rõ trách nhiệm từ xã, phường, quận, huyện, thành phố, gửi báo cáo được đóng dấu mật để cơ quan điều tra kết luận. Vấn đề khai sinh cho trẻ cũng sẽ được tháo gỡ tại Hội nghị tổng kết 7 năm thực hiện Nghị định 79 về chứng thực trên địa bàn thành phố dự kiến diễn ra vào ngày 15/9 tới.

Đọc thêm