Hướng đến kênh thông tin 'báo chí giải pháp'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đó là mong muốn của nhiều chuyên gia kinh tế, những nhà quản lý, những bạn đọc thân quen của Báo Pháp luật Việt Nam, vào thời điểm Báo bước sang tuổi 39.
Những vấn đề kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành, kinh tế tiêu dùng… được cập nhật, phản ánh trên trang nhất Báo PLVN hàng ngày.
Những vấn đề kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành, kinh tế tiêu dùng… được cập nhật, phản ánh trên trang nhất Báo PLVN hàng ngày.

Thông tin kinh tế trên tờ báo “dòng” pháp lý

Mỗi một tờ báo đều có một tôn chỉ, mục đích riêng. Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) cũng chú trọng tới tôn chỉ, mục đích và sứ mạng chính trị của mình trong hành trình 39 năm đồng hành cũng bạn đọc trong và ngoài ngành Tư pháp.

Nhân sự kiện đáng nhớ này xin nói về một “lát cắt”, một “món ăn” thường nhật mỗi khi cầm tờ PLVN vào mỗi buổi sáng, đó là những thông tin kinh tế trên các ấn phẩm của PLVN hàng ngày. Thực tế, việc chuyển tải thông tin kinh tế trên một tờ báo của Bộ, ngành Tư pháp là một điều không dễ bởi những sự kiện kinh tế - xã hội diễn ra mỗi ngày, mỗi giờ ở nhiều lĩnh vực, Bộ, ngành, địa phương khác - nếu không có cách tiếp cận, lựa chọn thông tin thích hợp sẽ không thể bao quát được những cái cần nói, cần đưa.

Nói cách khác, thông tin thế nào và đưa tin làm sao để tạo ra màu sắc thông tin kinh tế nhưng vẫn mang nét đặc thù, bản sắc của một tờ báo thuộc “dòng” nội chính, pháp lý… là điều những người trực tiếp làm công tác tổ chức sản xuất thông tin kinh tế và lãnh đạo Ban Biên tập quan tâm mỗi ngày, để từ đó mỗi dòng tin, bài viết đến với bạn đọc - trong đó vừa có câu chuyện của kinh tế vĩ mô, vừa có nhịp đập, hơi thở thị trường, kinh tế địa phương và như đã nói ở trên là vẫn duy trì “màu cờ sắc áo” PLVN.

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, báo chí nói chung, PLVN nói riêng cần theo phương châm đồng hành cùng với Nhân dân, cùng với doanh nghiệp, với Bộ, với ngành và xã hội nói chung, nhất là ở các vấn đề “nóng”. Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế có nhiều thay đổi, biến động thì cần có những giải pháp truyền thông kịp thời, vì thế PLVN cần lựa chọn hướng đi “báo chí giải pháp”, để hòa mình vào dòng chảy thông tin sự kiện, lắng nghe những phản ứng chính sách trong những tình huống hoàn cảnh nhất định, ngoài ra còn phải phúc đáp kịp thời nhu cầu về thông tin kinh tế; chính sách, pháp luật về vực kinh tế cho càng nhiều đối tượng bạn đọc càng tốt.

“Báo chí phải đưa ra những trao đổi, thảo luận; đưa ra nhiều giải pháp thông qua ý kiến của các nhà quản lý, các nhà trí thức uy tín, các chuyên gia kinh tế để có được kiến nghị, biện pháp khắc phục những khó khăn trong những hoàn cảnh nhất định”, TS. Lâm chia sẻ với phóng viên.

Theo đó, các thông tin kinh tế trên PLVN trong những năm gần đây ngoài việc phản ánh các vấn đề diễn ra hàng ngày ở các lĩnh vực được cho là có nhiều người đọc quan tâm như giao thông, tài chính ngân hàng, bất động sản, chứng khoán… còn chú trọng phản ánh các câu chuyện, mô hình kinh tế ở các địa phương, vùng sâu, vùng xa. Tin, bài về lĩnh vực này không chỉ là sự chụp lại, kể lại sự kiện, hình ảnh mà còn là những kiến nghị, đề xuất của người viết, của các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, lãnh đạo địa phương… để mỗi bài viết ngoài việc giới thiệu các mô hình kinh tế, các điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi còn chỉ ra được những tồn tại và giải pháp để địa phương, đơn vị, lĩnh vực mà Báo đề cập, phản ánh có thể tìm thấy được những thông tin mang tính xây dựng tích cực trong đó. Điều đó có nghĩa mới là báo chí bám sát cuộc sống, là phương châm mà PLVN đã, đang và sẽ theo đuổi.

Nỗ lực phúc đáp nhanh nhất nhu cầu của bạn đọc

Để làm được điều này, mỗi một phóng viên kinh tế theo dõi các ngành, lĩnh vực hay các phóng viên thường trú, đại diện trên cả nước đều phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để có thể hiểu, phản ứng kịp thời với các vấn đề mình theo dõi, chuyển tải kịp thời trên các ấn phẩm. Cụ thể, với hàng ngàn bản tin, bài viết mỗi năm xoay quanh các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội như hạ tầng điện - đường, tài nguyên khoáng sản, nông - lâm - ngư nghiệp rồi các chính sách kinh tế vĩ mô như chính sách tài khóa, lãi suất tín dụng, tỷ giá, thống kê kinh tế… đều đã được PLVN cập nhật, “mềm hóa” một cách dễ đọc, dễ hiểu trước khi đến với bạn đọc trong và ngoài ngành Tư pháp.

Nhắn gửi với những người làm báo PLVN nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày báo phát hành số báo đầu, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ kỳ vọng hơn vào báo chí kinh tế nói chung và mảng kinh tế trên PLVN nói riêng khi mong muốn Báo tiếp tục có những bài viết, những đề tài có tính phát hiện những bất cập của môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh, của cơ chế chính sách, kể cả những bất cập của giải pháp, chính sách điều hành nền kinh tế tầm vĩ mô. Bên cạnh đó, cũng mong muốn Tòa soạn tăng cường thông tin đánh giá về tính hiệu quả của các chính sách, các giải pháp để có thể đưa ra những cảnh báo, rút kinh nghiệm hoặc thay đổi kịp thời…

Đó là những gợi ý hết sức quan trọng của những bạn đọc giàu tâm huyết và đó cũng chính là hướng đi mà chúng tôi sẽ theo đuổi cho những trang báo, bản tin kinh tế tiếp theo trên các ấn phẩm của PLVN.

TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Báo đã theo kịp dòng chảy kinh tế

Báo PLVN nắm bắt nhanh các chủ đề, những nội dung “nóng”. Tôi quan sát, gần đây, PLVN là một trong số những tờ báo đã sớm đề cập tới những tác động của tăng lương, chỉ số giá và đã có bài viết với những thông tin định hướng dư luận về vấn đề này. Tuy nhiên, theo tôi, báo chí nói chung và PLVN nói riêng - chúng ta không nên “tô hồng” bởi điều này sẽ gây ra khá nhiều hệ lụy. Các nhà làm chính sách sẽ không thể nhìn thấy được bức tranh kinh tế để kịp thời có giải pháp nhất định.

Báo PLVN cũng đã có nhiều bài viết nói về thực trạng doanh nghiệp, những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải nhưng cũng cần có thêm các bài viết đưa ra các giải pháp, kiến nghị, thông qua ý kiến trực tiếp của doanh nghiệp hoặc thông qua các chuyên gia kinh tế. Tôi mong muốn PLVN ngoài việc đồng hành với người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cũng sẽ trở thành một tờ báo có dấu ấn về giải pháp, đặc biệt là cần có đưa ra những giải pháp tháo gỡ “rào cản” về mặt chính sách, giải pháp thể chế để giúp cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ có thêm kênh thông tin trước khi đưa ra quyết sách điều hành.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính: Phản biện chính sách của PLVN có tiếng nói quan trọng

PLVN không phải là tờ báo chuyên sâu về kinh tế nhưng đã từng có nhiều bài viết được quan tâm, xem xét cơ sở điều chỉnh về pháp luật kinh tế. Gần đây, Báo đã ngày càng đi sâu vào các văn bản luật mang tính chuyên ngành về kinh tế. Báo đã có nhiều tọa đàm, diễn đàn để các nhà làm luật, chuyên gia kinh tế có thể trao đổi ý kiến.

Thực tế, có nhiều vấn đề về mặt kinh tế rất sâu mà ngay cả các chuyên gia kinh tế cũng còn tranh cãi và chưa thống nhất như quản lý vàng, tỷ giá hối đoái... Đó có thể gọi là cả một vấn đề nghệ thuật và nhạy cảm mà nếu nhìn sai lệch, không chính xác dễ dẫn tới việc có chính sách, bước đi không phù hợp. PLVN cũng đã có nhiều thông tin liên quan và có những góc nhìn thận trọng về chính sách quản lý thông qua các ý kiến chuyên gia trong các bài viết. Những biện pháp mà các Bộ, ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đưa ra cũng được Báo phân tích, chỉ ra những ưu, nhược điểm, những cái đúng và những cái chưa đúng; Tạo ra những trao đổi thẳng thắn và khoa học, để trên cơ sở đó góp một tiếng nói trong việc điều hành lãi suất, tỷ giá nhằm bảo đảm các cân đối vĩ mô.

Tôi biết, những đóng góp, phản biện về chính sách của PLVN cũng có tiếng nói rất quan trọng, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, giúp cho các nhà làm luật có cái nhìn đa chiều, để từ đó các cơ quan nhà nước có những cân nhắc trong việc đưa ra các biện pháp, các chính sách điều tiết hoạt động của nền kinh tế trong thời gian qua.

Hoàng Tú (ghi)

Đọc thêm