Hướng đi mới cho người dân vùng cao sau 1 năm "khủng hoảng" giá lợn

(PLO) - Tại xã Đông Cuông (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) sau đợt sụt giảm giá lợn năm 2017, nhiều hộ dân đã có bước đi mới, phát triển nuôi trâu bò.

Trang trại lợn bỏ hoang

Bắt đầu từ năm 2016, trên địa bàn xã Đông Cuông đã có Dự án hỗ trợ nuôi lợn với quy mô trang trại theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp. Dự án tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Dự án đã hỗ trợ kinh phí xây dựng chuồng trại, đồng thời cử cán bộ khuyến nông huyện xuống hướng dẫn bà con trong công tác xây dựng chuồng trại, phương pháp chăn nuôi, thú y.

Ngoài ra, các hộ trong địa bàn xã hầu hết người dân đều chăn nuôi lợn ở quy mô gia đình.

Đến năm 2017, số hộ dân đăng kí tham gia dự án tiếp tục tăng thêm. Bà con hy vọng khoản đầu tư vào đàn lợn, có thể làm giàu từ con lợn. Tuy nhiên, năm 2017 giá thịt lợn trên thị trường giảm mạnh và diễn ra trong một thời gian dài (từ tháng 4 đến tháng 8) khiến bà con không có cơ hội để gỡ gạc lại vốn đầu tư. Khi đó, người ta thường nói vui với nhau "1kg lợn chỉ bằng 1 cốc trà đá".

Gia đình bà Lương Thị Vinh (60 tuổi, thôn Thác Cái, xã Đông Cuông) là một hộ dân đã đăng kí tham gia dự án với mô hình trang trại công nghiệp. 

Năm 2017, gia đình bà Vinh đã đầu tư hơn 1 tỉ đồng vào xây dựng, tiến hành nuôi lợn theo mô hình công nghiệp. Tuy nhiên, giá lợn sụt giảm từ 48 nghìn đồng/1kg xuống còn 20 nghìn đồng/1kg. Đến thời điểm này, do giá lợn vẫn còn thấp cộng với lỗ nặng từ lần giá thịt lợn giảm mạnh nên gia đình bà Vinh đã bỏ không hơn nửa trang trại.

Bà Vinh vừa chia sẻ vừa ngậm ngùi xót xa
Bà Vinh vừa chia sẻ vừa ngậm ngùi xót xa

Gia đình ông Lương Văn Thành (thôn Chèm, xã Đông Cuông) với mô hình bán công nghiệp, ông cũng đăng kí dự án và phát triển nuôi lợn nái và gần trăm con lợn thịt, sau đó giá lợn đi xuống gia đình ông cũng phải bỏ bớt chuồng. “Giờ chuồng thì đã xây rồi, không nuôi cũng không được, giờ giá lợn rẻ “nuôi cũng như thể canh nhà thôi” – ông Thành nói.

Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cuông, ông Nguyễn Thành Nam cho biết: “Khi giá lợn sụt giảm, Chính quyền đã hướng dẫn bà con tạm ngưng sản suất lợn giống hoặc chọn ra những con nái đủ điều kiện để duy trì đầu nái”. Ngoài ra, giải thích về tình trạng giá lợn sụt giảm đã ảnh hưởng mạnh đến bà con toàn xã, ông Thành cho biết, có tình trạng trên là do khi lợn giá cao bà con đổ xô làm chuồng trại nuôi mà chưa có kế hoạch lâu dài.

Ông Nam cũng cho biết thêm: “Chính quyền địa phương cũng vận động bà con nếu giá lợn còn thấp, không ổn định bà con nên chuyển hướng sang một số mô hình khác trong dự án như nuôi trâu, bò, gà."

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cuông trao đổi với PV
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cuông trao đổi với PV

Hướng đi mới cho người dân vùng cao

Hiện tại, chính quyền xã Đông Cuông đã vận động người dân đăng kí chuyển đổi sang mô hình trang trại trâu, bò kết hợp gà, vịt vì mô hình này có tính ổn định hơn và dễ thực hiện với mọi người dân.

Tìm đến gia đình anh Nguyễn Văn Được (31 tuổi, thôn Đồng Tâm, xã Đông Cuông), người đã đăng kí Dự án nuôi 30 con trâu, bò. Anh cho biết đã đầu tư hơn 900 triệu đồng để làm chuồng trại và mua con giống. Quá trình nuôi diễn ra khá thuận lợi, do vùng núi khí hậu phù hợp với trâu bò cũng như thức ăn có thể tự sản xuất.

Hiện trang trại của anh có 4 lao động, mỗi tháng anh chi trả 14 triệu đồng cho người lao động. Thức ăn cho trâu bò chủ yếu là các loại cỏ anh có thể tự trồng như cỏ voi, cỏ rôm, mía,… 

Đầu năm 2018, anh Được đã suất hơn 20 con trâu, bò cho các lò mổ, cũng như cung cấp bò dự án cho các hộ trong xã. Ngoài ra, anh cũng kết hợp nuôi khoảng 1000 con gà và 600 con vịt.

Chia sẻ về dự định trong tương lai anh cho biết: “Trong tương lai, tôi có dự định mở rộng diện tích trang trại và tiến tới tự mổ trâu, bò cung cấp cho địa phương. Ngoài ra, tôi sẽ kết hợp mở thêm ao trong trang trại”.

Đọc thêm