Hướng giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ

(PLVN) - Trong một Nghị quyết đang được soạn thảo, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao dự kiến sẽ hướng dẫn áp dụng một số quy định trong giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ.
Hình minh họa
Hình minh họa

Cân nhắc phương án về người có quyền khởi kiện tranh chấp 

Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về quyền khởi kiện, tư cách tham gia tố tụng, xác định địa chỉ người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đồng thời hướng dẫn việc nhập vụ án, áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ.

Có 3 phương án về quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ được đề xuất để cân nhắc lựa chọn. Phương án thứ nhất, mỗi cá nhân thành viên của dòng họ có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của dòng họ. Tương ứng với phương án này, nếu cá nhân khởi kiện thì cá nhân đó là nguyên đơn. Nếu dòng họ khởi kiện thì dòng họ là nguyên đơn. Dòng họ khởi kiện, tham gia tố tụng thông qua người đại diện được tất cả các thành viên của dòng họ ủy quyền hợp pháp.

Phương án thứ hai, Trưởng họ có quyền đại diện cho dòng họ khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của dòng họ. Trong phương án này, Trưởng họ đại diện cho dòng họ khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về tài sản chung của dòng họ thì dòng họ là nguyên đơn, trưởng họ là người đại diện của dòng họ.

Phương án thứ ba, tất cả thành viên của dòng họ có quyền ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khởi kiện vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của dòng họ. Theo phương án này, dòng họ là nguyên đơn, người được tất cả thành viên của dòng họ ủy quyền là người đại diện của dòng họ.

Ai là người bị kiện?

Theo đề xuất tại dự thảo, bị đơn trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là người bị kiện được xác định theo 2 trường hợp. Trường hợp người bị kiện là cá nhân trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản chung của dòng họ đang tranh chấp thì cá nhân đó là bị đơn.

Trường hợp người bị kiện là dòng họ thì dòng họ là bị đơn. Khi đó, có 3 phương án được đề xuất để xác định người đại diện cho dòng họ tham gia tố tụng. Phương án 1, người được tất cả thành viên của dòng họ ủy quyền hợp pháp là người đại diện của dòng họ tham gia tố tụng. Trường hợp dòng họ không có người được ủy quyền hợp pháp thì người quản lý, sử dụng tài sản chung của dòng họ đang tranh chấp là người đại diện của dòng họ tham gia tố tụng.

(Cụ thể: Tài sản chung của dòng họ đang tranh chấp do một người quản lý, sử dụng thì người đang quản lý và sử dụng đó là đại diện của dòng họ tham gia tố tụng. Tài sản chung của dòng họ đang tranh chấp do nhiều người quản lý, sử dụng thì những người đang quản lý, sử dụng đó là đại diện của dòng họ tham gia tố tụng).

Phương án 2, Trưởng họ là đại diện của dòng họ tham gia tố tụng.

Phương án 3, tất cả thành viên của dòng họ ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân đại diện cho dòng họ tham gia tố tụng.

Xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp về tài sản chung của dòng họ là các thành viên khác của dòng họ không khởi kiện, không bị kiện; cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến tài sản chung của dòng họ đang tranh chấp.

Trường hợp vụ án dân sự có liên quan đến tài sản chung của dòng họ mà dòng họ không phải là người khởi kiện hoặc người bị kiện thì dòng họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Khi đó, dòng họ tham gia tố tụng thông qua người đại diện.

Dự thảo cũng đưa ra 2 phương án xác định thành viên dòng họ. Phương án 1, thành viên dòng họ được xác định theo tập quán nơi dòng họ tồn tại. Các bên tranh chấp có trách nhiệm cung cấp danh sách và địa chỉ của thành viên dòng họ.

Phương án 2, thành viên dòng họ được xác định theo huyết thống tính từ thời điểm hình thành tài sản dòng họ đang có tranh chấp.

Đọc thêm