Hướng quản lý thuốc lá mới trên cơ sở khoa học

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vừa qua, tại Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Nghiên cứu khoa học về giải pháp không khói để hỗ trợ quản lý thuốc lá”.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm.

Các Đại biểu Quốc hội, chuyên gia bày tỏ quan điểm đồng thuận rằng mọi sản phẩm thuốc lá đều độc hại, đặc biệt sự hiện diện của các sản phẩm thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) trên thị trường hiện nay trong bối cảnh thiếu vắng hàng lang pháp lý đang gây ra nhiều lo ngại cho xã hội. Đồng thời, các đại biểu tại Tọa đàm cũng thống nhất cho rằng, các Bộ, ngành cần sớm đưa định nghĩa về TLNN và các sản phẩm thuốc lá mới khác để có hướng quản lý cụ thể đối với mặt hàng này.

Nhìn nhận thực trạng thuốc lá mới tại thị trường Việt Nam

Tại Tọa đàm, các đại biểu nhìn nhận một trong các lý do chưa có khung pháp lý cụ thể đối với TLNN và các sản phẩm thuốc lá mới khác là do thiếu vắng thông tin nghiên cứu, đánh giá khoa học để xác định tính gây hại của sản phẩm này so với thuốc lá điếu. Cho đến nay, thuốc lá điếu dù được xác định là độc hại lên sức khỏe người sử dụng và cả cộng đồng xung quanh nhưng vẫn là ngành hàng kinh doanh hợp pháp có điều kiện, chịu kiểm soát của Luật Đầu tư và Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá cũng như các quy định pháp luật liên quan khác.

TS Vũ Hoài Nam, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam.

TS Vũ Hoài Nam, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam.

Theo TS Vũ Hoài Nam, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, trên thế giới việc quản lý các sản phẩm này đa dạng, có quốc gia cấm toàn phần, hoặc cấm đối tượng sử dụng, hoặc cho phép nhưng ưu đãi về thuế, nhưng cũng có quốc gia cho phép nhưng lại đánh thuế cao.

Nhấn mạnh hơn về tác động của các sản phẩm này lên xã hội, ông Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội cho biết: “Thứ nhất, TLĐT, TLNN tại Việt Nam đều là hàng hóa nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ. Thứ hai, có khoảng trống pháp lý trong phòng, chống tác hại của TLĐT, TLNN. Thứ ba, tỷ lệ sử dụng TLĐT tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, học sinh, sinh viên; đã có một số điều tra, khảo sát thông tin về vấn đề này”.

Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hồng Ngọc.

Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hồng Ngọc.

“Quan ngại thứ tư là đối với TLĐT, thành phần chính là dung dịch hóa lỏng tinh dầu, tạo điều kiện cho một số đối tượng phạm tội đã lợi dụng để trà trộn chất ma túy thế hệ mới vào thành phần chính của TLĐT. Điều này gây ra những hệ lụy cho người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ và xã hội. Thứ năm, việc mua bán được thực hiện chủ yếu thông qua mạng xã hội; một số nơi xuất hiện các điểm bán lẻ công khai hoặc bán trà trộn cùng các sản phẩm khác. Thứ sáu, việc quản lý hoạt động quảng cáo TLĐT, TLNN, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội còn hạn chế, thiếu quy định phù hợp và chế tài xử phạt đủ sức răn đe”.

Chuyên gia chỉ ra sự khác biệt giữa độc tính của TLNN so với thuốc lá truyền thống

Xét trên góc độ y khoa, TS.BS Phạm Tuấn Anh, Trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K Trung ương chia sẻ: “Điều kiện lý tưởng nhất để dự phòng các bệnh lý liên quan đến thuốc lá là cai thuốc lá hoàn toàn và không hút thuốc lá hay là tiếp xúc với khói thuốc”.

TS.BS Phạm Tuấn Anh, Trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K Trung ương.

TS.BS Phạm Tuấn Anh, Trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K Trung ương.

TS.BS Phạm Tuấn Anh cho biết thêm, nicotine là chất gây nghiện, không phải là độc chất trong khói thuốc. Nguyên lý của các sản phẩm thuốc lá mới là làm nóng điếu thuốc thay vì đốt cháy như thuốc lá điếu truyền thống. Chính vì làm nóng, không đốt cháy, nên được kỳ vọng dẫn đến khả năng giảm phơi nhiễm, giảm tiếp xúc với các độc chất về mặt hàm lượng và thời gian tiếp xúc.

Dưới góc độ khoa học, để xác định TLNN có gây ung thư hay không, PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn - Giảng viên cao cấp Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Chúng ta cần nghiên cứu một thời gian dài mới biết có gây ung thư không… Bên cạnh đó, nguồn lực tại Việt Nam còn hạn chế nên nghiên cứu đưa ra khó đánh giá được kết quả, tác động thực tế của TLNN đối với sức khỏe”.

Đến nay, trên thế giới cũng chưa thể có câu trả lời này. Theo PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn, hiện chưa có bằng chứng về nghiên cứu dịch tễ hoặc nghiên cứu trên tác hại sức khỏe cụ thể.

PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn - Giảng viên cao cấp Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội trình bày nghiên cứu.

PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn - Giảng viên cao cấp Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội trình bày nghiên cứu.

Tuy nhiên, PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn cũng cho biết, một số quốc gia cho phép lưu hành TLNN đã thực hiện nghiên cứu về mức độ phơi nhiễm (tiếp xúc) với các chất độc hại của sản phẩm này lên cơ thể so với thuốc lá điếu truyền thống. Do vậy, nhóm nghiên cứu của ông tại Trường Đại học Y Hà Nội đã thực hiện Nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp nhằm đánh giá tổng hợp lại kết quả của các nghiên cứu cập nhật trên thế giới so sánh độc tính của TLNN so với thuốc lá điếu thông qua phân tích các chỉ điểm sinh học về phơi nhiễm (bằng chứng cho thấy cơ thể có sử dụng thuốc lá).

Theo đó, từ 3 hệ thống cơ sở dữ liệu nghiên cứu về y sinh học tương đối lớn gồm PubMed, ScienceDirect và ProQuest, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn các nghiên cứu từ thời điểm 2010 đến tháng 12/2023 để thực hiện một quy trình nghiên cứu tổng quan hệ thống theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, nhóm chỉ sử dụng những nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng, là dạng nghiên cứu thực nghiệm có giá trị nhất về mặt khoa học.

Kết luận từ Nghiên cứu này cho thấy: “Độc tính của TLNN, đánh giá thông qua các chỉ điểm sinh học phơi nhiễm, giảm đáng kể so với thuốc lá truyền thống”.

PGS.TS.BS Toàn cũng cho biết, Nghiên cứu do nhóm ông thực hiện là kết quả nghiên cứu độc lập từ nhiều quốc gia, trong đó có 5 nghiên cứu từ Nhật Bản và 2 từ Hàn Quốc. Số mẫu nghiên cứu là 1.415 mẫu, đều là những người trưởng thành khỏe mạnh, bao gồm nam và nữ được chia nhóm để theo dõi.

Nghiên cứu này còn ghi nhận: “Đối với nhóm nghiên cứu đang hút thuốc lá điếu chuyển qua TLNN, kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ sau 5 ngày cho thấy nồng độ và hàm lượng giảm. Còn nhóm nghiên cứu sau 360 ngày, càng cho thấy mức giảm sâu hơn. Mức giảm này sẽ giảm theo thời gian tuần tự”.

Ông Lê Thành Hưng phát biểu online tại tọa đàm.

Ông Lê Thành Hưng phát biểu online tại tọa đàm.

Về góc độ kỹ thuật, ông Lê Thành Hưng - Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng nông nghiệp thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “TLNN là hệ khép kín nên người dùng sẽ sử dụng đúng như thiết kế ban đầu của nhà sản xuất”. Ông Hưng cũng cho biết thêm, TLNN sử dụng nguyên liệu thuốc lá nên trong sản phẩm có nicotine có nguồn gốc từ lá thuốc lá tự nhiên. Điều này khác hoàn toàn với TLĐT chỉ sử dụng dung dịch và nguồn nicotine có thể là từ thuốc lá hoặc nguồn tổng hợp.

Ông Hưng thông tin, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đã có nghiên cứu và ban hành 4 tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm TLNN vào tháng 5/2024 vừa qua, bao gồm 1 tiêu chuẩn về thuật ngữ định nghĩa và 3 tiêu chuẩn điều kiện chuẩn để tạo và thu thập sol khí (aerosol) của các dạng TLNN.

Khi đề cập về việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định TLNN là thuốc lá nên cần quản lý như một sản phẩm thuốc lá, ông Hưng cũng nhấn mạnh là cần hiểu rõ quan điểm này của WHO trên toàn cầu đối với các sản phẩm này để tránh những hiểu lầm đáng tiếc, cực đoan. Theo đó, bởi TLNN là sản phẩm thuốc lá nên WHO khuyến cáo cần thận trọng trong việc quản lý. Thuốc lá điếu truyền thống được quản lý như thế nào thì WHO khuyến cáo các nước thành viên tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) sẽ quản lý TLNN chặt chẽ giống như vậy.

“Chúng ta phải hiểu như thế, chứ không phải nghĩ là đưa sản phẩm vào quản lý thì sẽ dễ tiếp cận hơn hay thay thế cho thuốc lá điếu”, ông Hưng nói.

Đọc thêm