Trong nhiều năm qua, ngành Du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua với xếp hạng tăng từ 75/141 quốc gia năm 2016 lên 63/140 quốc gia năm 2019. Sức cạnh tranh về giá tăng 13 điểm.
Thứ hạng về hàng không tăng 11 điểm so với năm 2017. Riêng tháng 11/2019, Việt Nam đón 1,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39% so với cùng kỳ 2018, tăng gấp hai lần so với năm 2016. Dự kiến năm 2019, du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế.
Tuy nhiên, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn nhiều chỉ số ở mức thấp. Đơn cử, chỉ số bền vững môi trường và hạ tầng du lịch xếp vào nhóm thấp nhất thế giới.
Có thể thấy, ở các trang đánh giá dịch vụ du lịch như TripAdvisor, hệ thống đánh giá của Airbnb, Agoda, Booking… đều có tiêu chí về vệ sinh sạch sẽ. Có thể thấy, yếu tố vệ sinh, môi trường là mối quan tâm lớn của du khách. Rất nhiều điểm đến, đơn vị cư trú, phương tiện vận tải tại Việt Nam đã “mất điểm” vì yếu tố này.
Bà Suzzanne Fox, một du khách Mỹ từng tới Hà Nội ý kiến: “Mặc dù ở tại một khách sạn tầm 4 sao ở Hà Nội nhưng ngay phía trước khách sạn, đường rất bẩn và bụi. Vào hôm trời mưa, có những vũng nước đen lớn đọng lại khiến tôi không muốn quay trở lại nơi này”.
Từ đó cho thấy, ngành Du lịch đang có nhiều sự chồng chéo, mâu thuẫn. Do là ngành kinh tế liên ngành, muốn phát triển các điểm đến ở từng địa phương thì cần xây dựng cơ sở hạ tầng, việc xây dựng cơ sở hạ tầng gây ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan thiên nhiên, cư dân bản địa và quá trình giữ gìn, bảo tồn.