Xu hướng du lịch trực tuyến: Làm gì để không bị động trên sân nhà?

(PLVN) - Không để thị trường du lịch trực tuyến nằm vào tay những “người khổng lồ” từ nước ngoài; các công ty du lịch Việt Nam đang có những cái “bắt tay” với những nhà khởi nghiệp để dành lại thị phần trong “chiếc bánh béo bở” này. 
 Ngày du lịch trực tuyến.
Ngày du lịch trực tuyến.

Thị trường tiềm năng

Du lịch trực tuyến đang là xu hướng tất yếu khi mà mọi người đều dễ dàng thiết kế được những tour du lịch như: Tự mua vé máy bay, đặt phòng, lên lịch trình chuyến đi… Đây cũng được xem là tiềm năng và thách thức để ngành Du lịch tiếp tục nâng cấp các nền tảng công nghệ số.

Trước đây, nói đến thị trường du lịch trực tuyến trong nước, người ta thường nhắc đến Ivivu.com, chudu24.com, mytour.vn, tripi.vn, mytour.vn, gotadi.com, vntrip.vn… Tuy nhiên, các công ty này cũng chỉ phục vụ thị trường khách trong nước, số lượng giao dịch so với các công ty cùng ngành từ nước ngoài có sự chênh lệch rất lớn. 

Đến nay, ngày càng nhiều nhóm khởi nghiệp, công ty du lịch lớn có xu hướng đầu tư vào lĩnh vực này. Đáng nói, đầu năm 2019, ứng dụng TripHunter của một nhóm khởi nghiệp tại TP HCM nhằm giúp du khách tự lên lịch trình, tối ưu chi phí đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Không kém đó là ứng dụng Luxstay được mong đợi là nền tảng đặt phòng của Việt Nam có thể cạnh tranh với các “ông lớn” như Airbnb, Agoda…

Theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch - Tổng cục Du lịch, để phát triển du lịch trực tuyến, vấn đề quan trọng nhất là phải có hệ thống dữ liệu số đầy đủ, đồng bộ về các điểm đến, dịch vụ, sản phẩm, thông tin cần thiết về du lịch Việt Nam.

Trên thực tế, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kho dữ liệu số riêng, nhưng nhìn chung còn tản mát, thiếu tính kết nối và đồng nhất. Do đó, các đơn vị du lịch cần có sự chia sẻ, kết nối, đóng góp để xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia.

Đây sẽ là mạng lưới thông tin để các doanh nghiệp Việt Nam tạo được sức mạnh cạnh tranh so với các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cũng nên lưu ý: Ngoài tập trung vào kinh doanh trực tuyến để chào bán sản phẩm, cần đặc biệt chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm du lịch cung ứng cho khách.

Bởi nếu bị phàn nàn, đồng nghĩa việc uy tín thương hiệu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, gây tác động tiêu cực tới tình hình kinh doanh.

Mới đây, ứng dụng TripU vừa chính thức tham gia vào thị trường du lịch trực tuyến, có tính năng tích hợp trọn gói các dịch vụ du lịch. Từ đặt phòng khách sạn, đặt vé máy bay giá rẻ, đặt tour, thuê xe máy, đặt taxi đến dịch vụ visa du lịch bao đậu, ví điện tử, cùng các chương trình tích điểm, hoàn tiền…

Ngoài ra, du khách còn có thể tự thiết kế tour thông qua sự trợ giúp của ứng dụng. Được biết, đây là sản phẩm của start-up công nghệ TripU, dưới sự đầu tư và cố vấn của Công ty Du lịch Vietravel. TripU cung cấp dịch vụ xin thị thực của nhiều quốc gia thông qua liên kết với các lãnh sự quán các nước. Còn chức năng ví điện tử sẽ được hoàn thiện và chính thức áp dụng trong quý I/2020. 

Theo thống kê, khách hàng hiện nay mất khoảng 30 đến 60 giờ để có thể hoàn thiện một lịch trình du lịch. Những thông tin đã có trên mạng internet nhưng để tra cứu, so sánh, chắt lọc thường mất nhiều thời gian, khiến nhiều người dùng phải bỏ cuộc với ý định tự lên kế hoạch cho chuyến đi của mình. 

Do vậy, ứng dụng TripU cũng cung cấp một “người bạn đồng hành”, đó là một đại diện Chatbot thông minh có chức năng trả lời, tư vấn tự động cho khách hàng trên ứng dụng và website. Do đó, ứng dụng này đang được kỳ vọng là một nền tảng công nghệ thông minh hiệu quả, sẽ có thể tối giản hoá và tối ưu hoá hành trang du lịch của du khách.

Đồng thời, điều này cho thấy, không chỉ các start-up công nghệ mà cả các công ty du lịch truyền thống đang có xu hướng “lấn sân” sang lĩnh vực ứng dụng du lịch – một điểm giao thoa giữa hai ngành này và cũng là một điểm mấu chốt giúp tăng hiệu quả của ngành Du lịch Việt Nam.

Báo cáo của Google và Temasek cho biết, quy mô thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 9 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, bán lẻ trực tuyến và du lịch trực tuyến chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn bộ thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Tầng lớp khách lẻ (free and independent traveler – FIT) tăng mạnh cả inbound (đón khách nước ngoài) và outbound (đưa khách ra nước ngoài).

Hiện ở Việt Nam đang có hai loại hình doanh nghiệp liên quan đến du lịch đã tiếp cận với công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để phát triển, đáp ứng nhu cầu của du khách. Thứ nhất là các doanh nghiệp công nghệ thông tin chuyên nghiên cứu ứng dụng du lịch giúp các đơn vị du lịch thực hiện các giao dịch đặt phòng, đặt tour, thanh toán thuận lợi, nhanh chóng.

Thứ hai là các công ty công nghệ tạo ra một sàn giao dịch cho các dịch vụ kinh doanh lưu trú, bán tour, dịch vụ, bán vé máy bay… Tuy nhiên, so với các ứng dụng nước ngoài, thị phần của các công ty du lịch trong nước ở mảng du lịch trực tuyến chỉ chiếm khoảng 20%.

Thách thức của du lịch truyền thống

Theo số liệu của Cục An toàn Thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay có trên 50 triệu người Việt Nam sử dụng internet, chiếm 53% dân số và cao hơn mức bình quân của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (46,64%) và trên thế giới (48,2%).

Trong số đó có tới 78% thường xuyên sử dụng internet hàng ngày. Trong đó khoảng 90% số người sử dụng internet truy cập bằng thiết bị di động, 70% trong số người dùng di động tiếp cận với các ứng dụng thông minh để tìm thông tin cho chuyến du lịch. 

Thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho thấy trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm các thông tin về du lịch trên mạng tại Việt Nam tăng hơn 32 lần. Trong đó, mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về các sản phẩm du lịch như tour trong nước, tour nước ngoài, đặt phòng khách sạn, các loại hình du lịch… Đặc biệt, trong những mùa cao điểm du lịch, như mùa hè, dịp cuối năm, đầu năm có thể đạt tới 8 triệu lượt tìm kiếm. 

Có thể thấy, người Việt đang hoà nhập rất sâu với xu hướng du lịch chung của thế giới khi các chuyến du lịch không thể thiếu vắng sự trợ giúp của các ứng dụng trên điện thoại, ví dụ ứng dụng tìm đường, ứng dụng phiên dịch, ứng dụng chụp ảnh, quay phim…

Trong báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới, xu hướng du lịch và hành vi của du khách hiện nay đã bước sang giai đoạn khách du lịch kết nối với sản phẩm. Họ chủ động cho chuyến đi du lịch từ khâu tìm hiểu điểm đến, đặt dịch vụ… Những nhận xét, đánh giá từ chính trải nghiệm của họ được lan rộng nhanh và được những du khách khác tin tưởng hơn. Một giai đoạn mới của kinh doanh du lịch đã được bắt đầu. 

Song, khi các công ty công nghệ ngày càng lên ngôi, chiếm những thị phần tốt nhất của thị trường du lịch, đó lại là một dấu hiệu đe doạ đến những dịch vụ du lịch truyền thống.

Đơn cử, nếu đã có “tư vấn viên” bằng trí tuệ thông minh nhân tạo (AI) có thể tích hợp hàng tỷ dữ liệu thông tin thì tư vấn viên thực sự có còn cần thiết hay không? Hay nếu du khách có thể tự thiết kế tour trọn gói qua một ứng dụng đa năng thì sự tồn tại của các công ty lữ hành truyền thống có thể bị đe doạ khi du khách không còn cần đến họ nữa. 

Bắt tay nhau cùng phát triển

Bên cạnh đó, thách thức của các ứng dụng công nghệ là người dùng cần phải thông thạo cách sử dụng các thiết bị di động và ứng dụng trên di động, mới có thể tận dụng được các chức năng của ứng dụng du lịch thông minh.

Theo đó, đối tượng du khách tầm trung niên đến cao niên có thể sẽ chưa phải là thị trường khách hàng mục tiêu, mà phần lớn vẫn là những du khách trẻ tuổi. Đó chính là vị thế của công ty lữ hành truyền thống vẫn không thể dễ dàng bị xoá bỏ hoàn toàn, nhưng đang dần bị thu hẹp. 

Ngành Du lịch cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để không rơi vào thế bị động.
  Ngành Du lịch cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để không rơi vào thế bị động.

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng nền tảng du lịch trực tuyến và công nghệ thông tin vào các hoạt động du lịch. Tuy nhiên, về vị thế cạnh tranh và quy mô thị trường du lịch trực tuyến của Việt Nam mới đứng thứ 5/6 nước được xếp hạng trong khu vực Đông Nam Á. Nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong phát triển ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch. 

Đơn cử, về mặt chuyên môn, còn thiếu nguồn nhân sự IT có trình độ, sáng tạo và có tay nghề; trong khi đó, sản phẩm công nghệ Việt Nam thiếu và kém, phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Bên cạnh đó, việc xây dựng một hệ sinh thái ứng dụng – website không thể qua loa mà phải được hoàn thiện tương đối trước khi đến tay người dùng.

Đồng thời, một khi đã tham gia “cuộc chơi” du lịch trực tuyến, nghĩa là đối mặt với cả những “người khổng lồ” và những “anh chàng tí hon” trên toàn cầu. Không có khái niệm du lịch trực tuyến chỉ cung cấp cho riêng Việt Nam. 

Do đó, sự kết hợp giữa công ty du lịch truyền thống giàu kinh nghiệm và công ty phát triển nền tảng công nghệ có thể là một giải pháp. Bởi chu trình hoàn thiện start-up công nghệ cần rất nhiều tiền của, thời gian để “nuôi lớn”. Thời gian đầu chưa có thu nhập đều phải phụ thuộc vào các nguồn thu truyền thống.

Nhưng một khi start-up đã “trưởng thành”, chính những công ty du lịch truyền thống cũng sẽ phải “e dè”, thậm chí phụ thuộc vào chúng. Ví như Luxstay, Airbnb, Agoda,… đang “cầm đằng chuôi” trong lĩnh vực lưu trú trong du lịch; theo đó các đơn vị lưu trú cần phải giành giật những vị trí đẹp trên những nền tảng này để tồn tại. Còn trong lĩnh vực nguồn nhân lực du lịch thì có Hoteljob, Hotelismo…

Trước những khó khăn cũng như cơ hội của ngành Du lịch trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến chuyện “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” khi các doanh nghiệp cùng “bắt tay” nhau, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác, nâng cao niềm tin của khách hàng vào loại hình dịch vụ “made in Vietnam” này.

Du lịch trực tuyến là cuộc chơi đầy thử thách

Ông Nguyễn Hữu Ân - Phó trưởng phòng Quản lý Lữ hành Sở Du lịch TP HCM: 

Ngay từ lúc này, việc đi du lịch từ một chiếc điện thoại hay từ máy tính đã trở nên thuận tiện hơn nhờ các tiện ích công nghệ. Tuy nhiên hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thiếu ứng dụng tương tác với người dùng so với các doanh nghiệp nước ngoài. Chính vì thế chúng tôi khuyến khích các đơn vị lữ hành và đội ngũ khởi nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. 

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: 

Đối với ngành Du lịch, trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch cũng đề cập đến việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển du lịch. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng nền tảng du lịch trực tuyến và công nghệ thông tin vào các hoạt động du lịch và đạt được hiệu quả tương đối tốt.

Phát triển du lịch trực tuyến và nền tảng kỹ thuật số là cơ hội tăng trưởng du lịch. Nền tảng kỹ thuật số điểm đến giúp cung cấp nhanh và nhiều thông tin, cung cấp các dịch vụ đa dạng, hấp dẫn thu hút du khách.

Ngoài ra, phát triển du lịch trực tuyến làm tăng GDP và việc làm. Du lịch trực tuyển còn tạo cơ hội để cho tất cả mọi người có thể tham gia, người làm ra dịch vụ có thể bán được nhiều sản phẩm hơn và người sử dụng có thể tận dụng được các dịch vụ tốt hơn.

Ông Nguyễn Bình Long - Giám đốc Ban Công nghệ thông tin Vietravel:

 Với việc ứng dụng công nghệ vào du lịch, thời gian qua Vietravel đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng về lượng khách đặt dịch vụ trực tuyến. Theo đó, lượng khách tăng gần 10% qua các năm, riêng năm 2019 dự kiến tăng tới 30%. Doanh thu từ trực tuyến trung bình tăng 22%, năm 2019 dự kiến tăng 40%. So với cán cân thị trường nhóm khách lẻ thì online chiếm 14% lượt khách, 11% doanh thu. 

Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM): 

Du lịch trực tuyến là cuộc chơi đầy thử thách. Những doanh nghiệp Việt dám đầu tư vào du lịch trực tuyến vô cùng dũng cảm. Hiện vẫn chưa có chính sách hay quy định nào về du lịch trực tuyến. Công nghệ yếu, vốn ít, chúng ta nghe vài trăm tỷ đồng là khủng khiếp nhưng làm du lịch trực tuyến thì có lẽ vài trăm tỷ đồng cũng chưa là gì.

Ông Trần Bình Giang - Tổng Giám đốc Công ty Tripi: 

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin ứng dụng dịch vụ của ngành Du lịch trên các sàn thương mại điện tử toàn cầu như: Alibaba, Amazon, Booking...

Theo thống kê, tại Barcelona, nền tảng ứng dụng di động gắn liền với Công nghệ 4.0 ở rất nhiều ngành nghề, riêng ngành gọi xe trực tuyến có tỷ trọng 3 tỉ đô la Mỹ, Social Media 31 tỉ đô la Mỹ, du lịch trực tuyến là 600 tỉ đô la Mỹ. Mobile Travel là 200 tỉ đô la Mỹ... Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay các sàn thương mại điện tử hầu như để hổng lĩnh vực này. 

Đ.Trang (tổng hợp)