Tăng chuyên nghiệp từ môi trường “không khói”
Ngành Du lịch Thừa Thiên Huế đang chung tay xây dựng môi trường du lịch “Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc”. Trong đó, một môi trường du lịch không khói thuốc góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo vệ, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, khiến du khách thêm yêu Huế và lựa chọn vùng đất này là điểm du lịch an toàn, xứng đáng trở lại.
Trước đó, ngành Du lịch Thừa Thiên Huế từng nhận được nhiều phản hồi của du khách khi đến Huế có sử dụng dịch vụ lưu trú về việc không mong muốn ở trong một căn phòng có mùi hôi của khói thuốc lá. Không những thế, khói thuốc lá dễ ám mùi và làm xỉn màu, hôi đồ đạc trong phòng như rèm, thảm, ga, gối, máy điều hòa, khăn trải bàn… khiến người lưu trú cảm thấy không gian không đủ sạch sẽ, thoải mái. Nhiều du khách, đặc biệt những người không hút thuốc cũng mong muốn được hít thở bầu không khí trong lành, không bụi bặm hay khói thuốc lá tại các khu du lịch, điểm tham quan. Đầu mẩu thuốc lá rơi vãi ở khu vực lưu trú hay khuôn viên của điểm du lịch thường tạo nên hình ảnh nhếch nhác, mất vệ sinh. Khói thuốc lá có thể ảnh hưởng lớn đến ấn tượng, tâm lý và mức độ hài lòng của du khách về một điểm đến.
Đáng chú ý, Huế là một trong những thành phố du lịch đầu tiên trên cả nước tham gia xây dựng thành công mô hình thành phố du lịch không khói thuốc lá từ giai đoạn 2011 - 2012. Đến nay, nhiều đơn vị khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng thực hiện lắp đặt nhiều biển cấm hút thuốc trong khách sạn, xây dựng phòng hút thuốc riêng dành cho người hút thuốc.
Để thực hiện quy định hiệu quả trên thực tế, một yếu tố được ngành Du lịch nhấn mạnh là việc đào tạo, nâng cao kỹ năng xử lý tình huống cho nhân viên, người lao động khi thông báo cho du khách; đồng thời chính họ cũng phải tự giác tuân thủ chặt chẽ các quy định để nêu gương cho du khách. Theo một thống kê sơ bộ của Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, có hơn 30% lao động trực tiếp trong ngành Du lịch sau khi vào nghề đã bỏ hút thuốc lá. Khách sạn càng nhiều sao, tỷ lệ bỏ thuốc lá càng cao. Đặc biệt là những bộ phận lễ tân, bảo vệ, gần như toàn bộ không còn hút thuốc.
Trong nhiều năm qua, những hoạt động thiết thực trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá của ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang góp phần xây dựng một môi trường du lịch chuyên nghiệp, ngày càng văn minh, thân thiện, lịch sự.
Nhiều mô hình du lịch “xanh”
Nhiều điểm đến nổi tiếng khác ở Việt Nam cũng hướng tới xây dựng những mô hình không khói thuốc lá. Vừa qua, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Lễ phát động mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc lá” năm 2023 tại phường Đồng Hải - một những phường trung tâm của TP Đồng Hới, tập trung nhiều điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn và hàng năm thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Mục tiêu của hoạt động này là “Chung tay xây dựng phường Đồng Hải trở thành địa điểm du lịch hoàn toàn không khói thuốc”. Cùng với đó là các hoạt động thiết thực như: Đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hành động hàng năm của phường; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn; đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào hương ước, quy ước của các tổ dân phố; treo biển báo cấm hút thuốc tại các địa điểm có quy định cấm hút thuốc…
Tại Thủ đô Hà Nội, năm 2019, các nhà quản lý đã chính thức triển khai mô hình du lịch không khói thuốc tại 30 điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa tại quận trung tâm Hoàn Kiếm. Trong đó, có nhiều điểm đến nổi tiếng như đền Ngọc Sơn, chùa Quán Sứ, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ, Thư viện Quốc gia, Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, Nhà tù Hỏa Lò, Nhà hát Múa rối nước Thăng Long,… Ngoài ra, quận này cũng đặt chỉ tiêu 70% nhà hàng, khách sạn từ 3 sao trở lên trên địa bàn quận thực hiện mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm và không khói thuốc. Các biển báo cấm hút thuốc lá được treo đặt ở những vị trí dễ quan sát để nhắc nhở người dân và du khách.
Đáng nói, trong khi nhiều du khách hút thuốc có thể vui vẻ chấp hành quy định và vẫn cảm thấy được tôn trọng khi nhân viên nhắc nhở một cách khéo léo, lịch sự; vẫn có nhiều du khách hút thuốc không hợp tác, gây trở ngại cho người làm du lịch. Dù vẫn có những khó khăn nhất định, nhưng các mô hình điểm đến du lịch không khói thuốc được xem là giải pháp thiết thực để thu hút du khách, phát triển du lịch một cách bền vững, đáng được nhân rộng. Theo đó, mô hình du lịch “xanh” này không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm thiểu các vụ cháy, nổ ở các địa điểm du lịch, mà còn giảm các tác động tiêu cực của khói thuốc lá với sức khỏe người dân, du khách.