Hưởng ứng Ngày Quốc tế không sử dụng túi ni lông 3/7

(PLVN) - Từ năm 2009, Sáng kiến Thế giới không dùng túi ni lông (Bag Free World) đã chính thức chọn ngày 3/7 hàng năm là Ngày Quốc tế không sử dụng túi ni lông. Nhằm hưởng ứng sáng kiến này, trong ngày 3/7/2023, nhiều nhà bán lẻ trên toàn quốc cam kết sẽ vận động khách hàng không sử dụng túi ni lông tại hệ thống các cửa hàng và thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Baovanhoa.vn)

“Bớt túi ni lông, thêm nhiều mầm sống”

Đây là thông điệp của Ngày Quốc tế không sử dụng túi ni lông năm nay, với mục đích khuyến khích người tiêu dùng giảm sử dụng túi ni lông, thúc đẩy các giải pháp thân thiện với môi trường trên toàn thế giới. Theo thống kê của Viện Quan sát thế giới (Worldwatch Institute), ước tính kể từ năm 2002, mỗi năm thế giới có khoảng 5.000 tỷ túi ni lông được sản xuất và một lượng lớn được sử dụng và bị thải bỏ ra môi trường. Cộng đồng quốc tế và chính phủ các quốc gia ngày càng nhận ra tác hại khôn lường của rác thải nhựa với phá hủy môi trường sống, ảnh hưởng đến các sinh vật, và hơn thế, ngày càng ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến sức khỏe của con người.

Để hưởng ứng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường và Sở Công Thương TP Hà Nội phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam), Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thông qua Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E), Quỹ Vì Tầm vóc Việt cùng các đối tác giảm rác thải nhựa khác tổ chức Ngày không sử dụng túi ni lông tại Việt Nam.

Địa điểm tổ chức là các cơ sở thành viên của Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi ni lông dùng một lần bao gồm: TH true mart, Central Retail, MM Mega Market Việt Nam, AEON Việt Nam, LOTTE Mart Việt Nam. Trong ngày 3/7, các nhà bán lẻ này sẽ vận động khách hàng không sử dụng túi ni lông tại hệ thống các cửa hàng và thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa.

Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt nhiều chính sách nhằm hạn chế túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã quy định rõ về trách nhiệm tái chế và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất và quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy”.

Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết: “Việc tổ chức Ngày không sử dụng túi ni lông tại Việt Nam sẽ góp phần nâng cao nhận thức người tiêu dùng, hướng tới mục tiêu giảm túi ni lông sử dụng một lần trong tiêu dùng, bán lẻ và các mục tiêu về sản xuất và tiêu dùng bền vững”.

Hướng tới tiêu dùng có trách nhiệm

Ông Đào Xuân Lai - Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường của UNDP khẳng định: “Mỗi người hãy là người tiêu dùng thông thái có trách nhiệm, giảm thiểu sử dụng túi ni lông và thúc đẩy các giải pháp thân thiện với môi trường. Bằng cách thực hành hàng ngày không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, chúng ta sẽ góp phần vào bảo vệ môi trường và bảo đảm phát triển bền vững của Việt Nam”. Theo đó, UNDP là tổ chức tích cực đồng hành, hưởng ứng Ngày không sử dụng túi ni lông tại Việt Nam thông qua các Chương trình NPAP và Chương trình đổi mới sáng tạo EPPIC, hướng đến tháng hành động không túi ni lông và tiến tới loại bỏ túi ni lông sử dụng một lần trong cuộc sống.

Việt Nam đang tích cực thúc đẩy việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa, trong đó, khối doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, sự chung tay, chủ động của các nhà sản xuất và bán lẻ sẽ có tác động không nhỏ tới người tiêu dùng. “Chỉ có hành động cùng nhau, chúng ta mới có thể hướng tới tiêu dùng bền vững và loại bỏ cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa một cách toàn diện”, theo bà Nguyễn Thị Diệu Thúy - Giám đốc Chương trình Giảm Nhựa của WWF - Việt Nam.

Thời gian qua, các thành viên trong Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi ni lông đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Cụ thể, với mong muốn hỗ trợ khách hàng đưa ra các quyết định mua sắm và tiêu dùng bền vững dễ dàng hơn, AEON Việt Nam là nhà bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam triển khai Sáng kiến “Rent a bag” - khách hàng có thể mượn túi môi trường trực tiếp tại các quầy thu ngân từ tháng 6/2022, với chi phí 5.000đ/túi và được hoàn trả toàn bộ phí thuê khi thực hiện trả túi tại quầy dịch vụ.

AEON Việt Nam cũng đồng thời duy trì vận hành các sáng kiến “xanh” khác như Greenline - quầy thu ngân ưu tiên dành cho khách hàng từ chối sử dụng túi ni lông, sử dụng sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường như ly cốc bằng giấy, khay và tô bằng bã mía... tại khu vực ẩm thực tự chọn. Tại khu vực siêu thị của tất cả các Trung tâm bách hóa tổng hợp và Siêu thị AEON trên toàn quốc, 100% túi mua sắm dành cho khách hàng đều là túi ni lông phân hủy sinh học.

Trong khi đó, Central Retail đã và đang thí điểm thực hiện thành công chương trình “Ngày không túi ni lông” (năm 2022) và “Mang theo túi riêng đi chợ” (năm 2023) tại các siêu thị Tops Market trên toàn quốc - tiến tới hoàn toàn chấm dứt cung cấp túi ni lông ở các siêu thị Tops Market trong thời gian tới. Ngoài ra, Central Retail tại Việt Nam cũng khuyến khích người tiêu dùng giảm sử dụng túi ni lông, cải thiện hành vi tiêu dùng theo hướng tích cực, thúc đẩy các giải pháp thân thiện với môi trường trên toàn hệ thống.

Đọc thêm