109.698 bản hương ước, quy ước đã được phê duyệt
Thời gian qua, việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã được triển khai rộng khắp trên cả nước. Tính đến tháng 5/2016, trong số 125.083 thôn, làng, được rà soát, có 109.698 bản hương ước, quy ước đã được phê duyệt (chiếm 87,7%), có 6.694 bản hương ước, quy ước đang trong quá trình phê duyệt và 3.260 bản hương ước, quy ước đang được xây dựng.
Có thể thấy, hương ước, quy ước ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò trong xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò tự quản và phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần đưa pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy dân chủ ở cơ sở và tạo điều kiện để nhân dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của mình.
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số hương ước, quy ước có nội dung trái pháp luật, xâm phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Nhiều hương ước, quy ước còn sơ sài về nội dung, sao chép, lặp lại pháp luật và chủ trương chính sách của nhà nước, thiếu nét đặc trưng văn hóa, xã hội, phong tục tập quán; thuần phong mỹ tục của địa phương. Việc xây dựng hương ước, quy ước nhiều nơi còn hình thức, phong trào; công tác phối hợp, phân công trách nhiệm chưa rõ. Những hạn chế đó làm sai lệch bản chất, suy giảm vai trò, vị trí của hương ước, quy ước với tư cách là thiết chế tự quản của cộng đồng dân cư.
Phân định rõ thẩm quyền tự quản và quản lý nhà nước
Về nguyên tắc, hương ước, quy ước được xây dựng phải thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tự quản, phát huy dân chủ ở cơ sở; bảo đảm sự tự nguyện, dựa trên nhu cầu của cộng đồng dân cư đồng thời thể hiện được bản sắc văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán của từng vùng miền, cộng đồng. Để nâng cao hiệu quả xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng các quy định về quy trình, thủ tục xây dựng, công nhận, sửa đổi hoặc hủy bỏ hương ước, quy ước để đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước nhưng không mất đi đặc tính của hương ước, quy ước là tồn tại song song với các quy định pháp luật.
Còn đại diện Bộ Tài chính cho rằng cần phân định rõ vai trò quản lý của nhà nước là hướng dẫn, công nhận và kiểm tra tính hợp pháp của các hương ước, quy ước chứ không nên can thiệp quá sâu vào quá trình xây dựng hương ước, quy ước. Cùng với đó, cần quy định rõ nguồn kinh phí trong quản lý Nhà nước và kinh phí do cộng đồng dân cư tự chi để đảm bảo việc thực hiện các hương ước, quy ước đạt hiệu quả. Tuy nhiên, một số ý kiến tại cuộc họp lại cho rằng nên cấp cho mỗi thôn, làng một khoản kinh phí để tạo động lực thực hiện hương ước, quy ước và thôi thúc công tác tự quản tại địa phương.
Liên quan đến chế tài trong hương ước, quy ước, đại diện đến từ Bộ Công an đề xuất hình thức xem xét bồi thường khắc phục hậu quả sẽ phù hợp hơn là đưa vào các biện pháp xử lý, phạt tiền, phạt vật chất đối với hành vi mà chưa có quy định pháp luật. Đồng thời, dự thảo Quyết định cũng cần nêu rõ tiêu chí thông qua hương ước, quy ước (tỷ lệ đồng thuận là bao nhiêu %, bằng hình thức nào…) để đảm bảo các hương ước, quy ước thật sự đại diện cho ý chí của cộng đồng dân cư chứ không thể hiện ý chí chủ quan của một tổ chức, cá nhân.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Đỗ Xuân Lân nêu rõ dự thảo Quyết định sẽ tiếp tục tập trung làm rõ các quy định trong công tác tự quản, thẩm quyền của cộng đồng dân cư và thắt chặt các quy định về quản lý nhà nước để đảm bảo tính khả thi.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh nếu xây dựng và thực hiện tốt các hương ước, quy ước sẽ là nguồn tham khảo, bổ sung quan trọng cho công tác xây dựng pháp luật. Thứ trưởng yêu cầu cần nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng hình thức ban hành của Dự thảo Quyết định; thiết kế rõ các quy định, trình tự thủ tục, hồ sơ đảm bảo phản ánh ý chí của đa số cộng đồng dân cư đồng thời cần làm rõ quan hệ của hương ước, quy ước với pháp luật hiện hành.