Huyện Bắc Trà My (Quảng Nam): Nhiều giải pháp duy trì hoạt động chợ Trà Giác

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo người dân địa phương, nguyên nhân khiến khu chợ này bỏ hoang do đại dịch COVID-19 bùng phát khiến họ không đến chợ. Hơn nữa, do nhiều người chưa quen với kiểu kinh doanh, buôn bán tập trung trong chợ. Ngoài ra, địa hình miền núi hiểm trở, xa xôi đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa lũ, người dân ngại đến các điểm tập trung.
Được kỳ vọng rất nhiều, nhưng khu chợ phiên Trà Giác hiện rơi vào cảnh “đắp chiếu”.
Được kỳ vọng rất nhiều, nhưng khu chợ phiên Trà Giác hiện rơi vào cảnh “đắp chiếu”.

Chợ tiền tỉ bị bỏ hoang sau dịch COVID-19

Đầu tư gần 1 tỷ đồng vốn ngân sách để xây dựng khu chợ phiên giúp người dân 3 xã miền núi Trà Giác, Trà Giáp và Trà Ka, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam có nơi họp chợ để trao đổi, mua bán hàng hóa. Nhưng ngôi chợ xây xong lại rơi vào cảnh “đắp chiếu”.

Khu chợ phiên xã Trà Giác do Phòng Kinh tế và Hạ tầng (KT&HT) huyện Bắc Trà My làm chủ đầu tư. Tổng kinh phí xây dựng hơn 930 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện. Tháng 9/2018, khu chợ hoàn thành, đưa vào sử dụng và hoạt động theo phiên, mỗi tháng 3 ngày (từ ngày 1 đến ngày 3).

Khu chợ nằm cách QL40B chừng 100m, được kỳ vọng là địa điểm để người dân 3 xã miền núi huyện Bắc Trà My gồm Trà Giác, Trà Giáp và Trà Ka có nơi họp chợ trao đổi, mua bán hàng hóa; kích thích sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Khu chợ còn là địa điểm đáp ứng yêu cầu quy hoạch ngành thương mại của UBND tỉnh Quảng Nam đến 2020, định hướng 2025. Thế nhưng, chỉ họp vỏn vẹn một vài lần sau ngày khánh thành, khu chợ phiên này đã bị người dân “lãng quên”, bỏ hoang đến nay. Công trình giờ cỏ mọc, rêu phong, nhiều hạng mục đã xuống cấp.

Theo quan sát của PV, hiện trạng khu chợ hiện nay nền xi măng bong tróc, xung quanh nền chợ cỏ mọc um tùm. Khu chợ xuống cấp, không hoạt động, một số người dân địa phương mang nông sản ra bày bán bên ven QL40B, nguy cơ mất ATGT.

Chị Hồ Thị Do (SN 1986, ngụ xã Trà Giác) cho biết, những ngày đầu mới đi vào hoạt động, có khá đông người dân gùi các mặt hàng nông sản xuống đây bày bán. Tuy nhiên, được một thời gian ngắn, người dân không tập trung mua bán nữa và chợ bỏ hoang đến nay đã 5 năm. Một số ý kiến cho rằng đây là một sự lãng phí, ở huyện miền núi, để bỏ tiền ra xây được cái chợ như vậy không dễ dàng, mong chính quyền địa phương tìm cách khởi động lại khu chợ.

Theo người dân địa phương, nguyên nhân khiến khu chợ này bỏ hoang do đại dịch COVID-19 bùng phát khiến họ không đến chợ. Hơn nữa, do nhiều người chưa quen với kiểu kinh doanh, buôn bán tập trung trong chợ. Ngoài ra, địa hình miền núi hiểm trở, xa xôi đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa lũ, người dân ngại đến các điểm tập trung.

Huyện đưa ra nhiều giải pháp

Nói về thực trạng chợ phiên xây xong bỏ hoang, Chủ tịch UBND xã Trà Giác, ông Đinh Văn Linh cho biết, việc xây dựng chợ là chủ trương đúng đắn nhằm kích cầu phát triển kinh tế cho 3 xã Trà Giác, Trà Ka và Trà Giáp. Nhưng do người dân vẫn còn tâm lý tự cung, tự cấp hàng hóa và sản phẩm làm ra chưa nhiều để phát triển buôn bán tập trung. Ngoài ra, đa số người dân cả 3 xã đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở các nóc, bản làng trên núi, đời sống còn nhiều khó khăn; dân cư phân bố rải rác; nên để đến chợ phiên họ phải di chuyển quãng đường núi khá xa, trong khi lượng hàng hóa, nông sản mang ra bán lại không nhiều.

Khu chợ được đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng.

Khu chợ được đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng.

Địa phương đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia họp chợ. Đồng thời đưa ra một số giải pháp như cán bộ, đảng viên có nuôi gà, lợn, trồng rau mang ra chợ bán, làm gương cho bà con, nhưng chỉ được một thời gian và không mang lại hiệu quả cao.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Hữu Sự, Trưởng phòng KT&HT huyện Bắc Trà My (đại diện chủ đầu tư dự án) chia sẻ, giờ có nhiều thương lái lên đến tận nóc, tận các bản làng để thu mua nông sản của bà con; cũng trở thành nguyên nhân người dân bỏ thói quen phải mang hàng xuống chợ phiên bán. Một phần khác cũng vì tập quán của một số làng bản chưa thích nghi với việc kinh doanh buôn bán trong chợ, chưa mặn mà với việc mang hàng ra bán tập trung.

Theo ông Sự, quan điểm, chủ trương của huyện tiếp tục duy trì hoạt động chợ Trà Giác. Huyện đã tập trung chỉ đạo và giao UBND xã Trà Giác quản lý tốt cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân 3 xã Trà Giáp, Trà Giác, Trà Ka đẩy mạnh sản xuất, đưa nông sản, hàng hóa ra chợ để buôn bán, tránh trường hợp bán cho những thương lái mua hàng trực tiếp với giá rẻ.

Đồng thời, triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt để tạo ra nhiều sản phẩm với số lượng đảm bảo cung ứng thị trường tiêu dùng. Gắn kết với ngành Văn hóa - Thông tin để đưa các mô hình văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số đến sinh hoạt giao lưu, thu hút du khách đến tham quan, mua sắm.

Thời gian tới, chính quyền huyện sẽ kiến nghị với UBND tỉnh, Sở Công Thương làm cửa hàng xăng dầu, trạm dừng chân và kết hợp buôn bán ở khu chợ phiên này. Cốt lõi của khu chợ, địa phương muốn tạo ra một địa điểm kinh doanh để từng bước thay đổi tư duy buôn bán của người dân, tăng thêm giá thành sản phẩm, từ đó đời sống kinh tế người dân được nâng cao, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, UBND huyện Bắc Trà My cũng đang nghiên cứu mô hình quản lý chợ tốt nhất như lựa chọn, kêu gọi các đơn vị hợp tác xã, doanh nghiệp, nhóm hộ… để giao hoặc đấu thầu quản lý, khai thác chợ cho phù hợp theo quy định.

Đọc thêm