Huyện biên giới Mường Nhé đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo động lực phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm qua, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, xác định phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là mục tiêu quan trọng, qua đó huyện đã tập trung huy động các nguồn lực từ nhiều nguồn vốn, Trung ương và địa phương đầu tư xây dựng các công trình trọng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân.
Một góc trung tâm huyện Mường Nhé hôm nay.
Một góc trung tâm huyện Mường Nhé hôm nay.

Mường Nhé là huyện ở cực Tây của Tổ quốc, nơi có ngã ba biên giới A Pa Chải được ví "Tiếng gà gáy ba nước cùng nghe". Địa hình chia cắt, giao thông đi lại còn khó khăn, trình độ nhận thức của một bộ phận người dân chưa đồng đều; nhiều tập tục còn lạc hậu, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng được huyện xác định là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, Mường Nhé đã tận dụng tối đa các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, tỉnh thông qua các chương trình, dự án như: Ðề án 79; Nghị quyết 30a; Chương trình 134, 135... đầu tư, cải tạo nâng cấp các công trình, cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân.

Nhiều công trình hạ tầng được đầu tư đồng bộ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhiều công trình hạ tầng được đầu tư đồng bộ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Để mỗi công trình đưa vào sử dụng đều phát huy tốt hiệu quả, huyện thành lập tổ công tác đánh giá nhu cầu thực tế xem mức độ cần thiết của mỗi dự án, sau đó căn cứ vào nguồn vốn thực tế có đáp ứng được mới xem xét quyết định đầu tư, chứ không đầu tư không dàn trải. Đồng thời, thực hiện nghiêm công tác thẩm định, phê duyệt, xác định danh mục, quy mô dự án theo đúng trình tự, quy định.

Chính vì vậy, nên tuy Mường Nhé vẫn là huyện nghèo nhưng các công trình hạ tầng của huyện như: Các công trình giao thông, thủy lợi, trường lớp học, nhà văn hóa… từng bước được đầu tư hoàn thiện. Hầu hết các tuyến đường giao thông chính của huyện được kiên cố bê tông, nhựa hóa…

Điều dễ nhận thấy nhất là đến Mường Nhé hôm nay, tình trạng chia cắt giao thông giữa các địa phương trong huyện không còn như trước, 100% đường đến trung tâm các xã đã cơ bản được cứng hóa kiến cố đi lại được 4 mùa. Nhiều tuyến đường giao thông đến tận các khu dân cư ở xã, bản vùng sâu, vùng xa, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển nông, lâm sản và đi lại của người dân. Trẻ em đến trường thuận tiện hơn trước.

Đời sống người dân các dân tộc ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Đời sống người dân các dân tộc ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Ông Lê Hồng Thắng – Giám đốc Ban Quản lý Dự án và phát triển Quỹ đất huyện Mường Nhé cho hay: Việc tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện Mường Nhé. Đặc biệt, việc xây dựng cơ sở hạ tầng đã tạo liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Trong quá trình thực hiện, để tránh tình trạng các công trình khi đi vào sử dụng xảy ra các sự cố về chất lượng, ngay từ khâu lựa chọn nhà thầu thi công, Ban quản lý dự án thực hiện công khai, minh bạch theo đúng quy trình, kiên quyết loại bỏ những nhà thầu không đủ năng lực. Nhờ đó, các công trình, dự án đưa vào sử dụng đã phát huy tốt hiệu quả, góp phần tạo động lực cho huyện vượt lên khó khăn, khai thác tốt lợi thế, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống người dân gắn với xóa đói giảm nghèo.

Nhiều tuyến đường giao thông được đầu tư kiên cố tạo thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa của người dân.

Nhiều tuyến đường giao thông được đầu tư kiên cố tạo thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa của người dân.

Từ những kết quả đạt được, huyện Mường Nhé tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền trong phát triển kết cấu hạ tầng; thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch; tập trung nguồn lực và nguồn vốn để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đọc thêm