Phóng viên Báo PLVN đã có buổi trò chuyện với bà Lô Thị Nguyệt - Phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong xung quanh việc triển khai các chính sách, chế độ cho người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
- Xin bà cho biết về tình hình chung của huyện Quế Phong?
Quế Phong là huyện huyện cuối cùng nằm trên trục Quốc lộ 48, cách thành phố Vinh 180 km. Có 12 xã và 1 thị trấn, với 107 thôn bản, trong đó 11 xã đặc biệt khó khăn (khu vực III). Tính đến 25/12/2023, trên địa bàn huyện có 16.200 hộ/75.869 khẩu; trong đó dân tộc thiểu số là 14.433 hộ (Thái 13.216 hộ, Khơ Mú 539 hộ, Mông 655 hộ, dân tộc khác 23 hộ); 67.983 khẩu đồng bào DTTS, chiếm 90,46% dân số toàn huyện (Thái 61.306 khẩu, chiếm 81,58%; Khơ Mú 2.657 khẩu, chiếm 3,54%; Mông 3.909 khẩu, chiếm 5,2%; dân tộc khác 111 khẩu, chiếm 0,14%).
- Xin bà cho biết một số chính sách dành cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương ?
Hiện nay, trên địa bàn huyện Quế Phong đang thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.
Với mục tiêu đều hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, hỗ trợ người nghèo có sinh kế, việc làm, thu nhập, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững; hỗ trợ địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn nên đã tạo được sức lan tỏa, sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Mô hình trồng dưa của bà con dân tộc thiểu số huyện Quế Phong |
Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/04/2022 về tín dụng chính sách ưu đãi thực hiện Chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025, Nghị định 28/2022/NĐ-CP là một chủ trương lớn của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Chương trình cho vay theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 1, từ năm 2021 đến năm 2025) trên địa bàn huyện Quế Phong đã góp phần giúp người dân vùng cao ổn định cuộc sống, phát triển sinh kế, từng bước vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ có nhà ở khang trang.
Đến 20/12/2023, ngân hàng đã giải ngân được đã giải ngân được 16.835 triệu đồng (trong đó năm 2022 cho vay được 835 triệu đồng với 16 hộ; năm 2023 cho vay được 16.000 triệu đồng với 392 hộ; tổng dư nợ tại là 16 tỷ 808 triệu đồng với 408 hộ vay, 375 hộ làm nhà ở, 33 hộ chuyển đổi nghề).
Nguồn vốn đã giúp cho nhiều hộ vay có nguồn vốn để làm mới, sửa chữa nhà ở, chuyển đổi nghề, cải tạo đất với lãi suất ưu đãi, thời gian vay vốn dài lên đến 15 năm.
Toàn huyện quyết tâm xoá nhà tranh tre |
UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo, đồng thời phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, UBND các xã, thị trấn, Phòng Dân tộc huyện rà soát đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng, tham mưu UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt danh sách các hộ đủ điều kiện hưởng chính sách.
Đây là chính sách có ý nghĩa thiết thực đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đặc biệt là trong giai đoạn vừa bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Nhờ tiếp cận các chính sách, đời sống của bà con đồng bào trên địa bàn đã thay đổi như thế nào ?
Năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, giám sát của HĐND huyện, bằng sự chủ động, quyết liệt, kịp thời, thống nhất, thông suốt trong công tác chỉ đạo điều hành của UBND huyện. Cùng với nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, sự chung sức và đồng lòng của người dân, nhất là tác động của các chính sách thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế - xã hội năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng toàn diện, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được bảo đảm; văn hoá – xã hội có nhiều tiến bộ, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt, đa dạng hình thức và hoạt động.
Có 30/31 chỉ tiêu trọng yếu ước đạt kế hoạch đề ra, trong đó có 11 chỉ tiêu ước vượt kế hoạch.
Những kết quả tích cực, nổi bật như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm tăng 8,65% vượt kế hoạch đề ra, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 25,241 tỷ đồng, vượt 39,84% so với dự toán.
Huyện nhà được xếp hạng thứ 4 tại về chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) tỉnh Nghệ An năm 2022. Trong năm, thu hút được 2 dự án đầu tư mới, với tổng mức đầu tư hơn 207 tỷ đồng; Đã đóng điện thêm 1 bản (bản Hạnh Tiến, xã Hạnh Dịch), qua đó nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt khoảng 98,8%.
Vụ Đông Xuân năm 2022-2023 trên toàn địa bàn đã triển khai đồng bộ các giải pháp giải pháp phòng chống đói rét cho vật nuôi rất tốt, không để gia súc, gia cầm bị chết.
Thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện; quan tâm chăm lo các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, phong trào “Tết vì người nghèo” được hưởng ứng sâu rộng, chung tay mang Tết đến với mọi người, mọi nhà.
Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ khó khăn, xây dựng hoàn thành 1.199 ngôi nhà (1.039 xây mới và 160 sửa chữa) đảm bảo tiến độ yêu cầu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,29% xuống còn 34,84% vượt chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh và huyện giao.
Trân trọng cảm ơn bà!