Ngày 20/2 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức khởi công xây dựng dự án hồ chứa nước Ta Hoét tại thôn K’Rèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. Thời điểm này, nhiều hộ dân đã đến khu vực dự án phản đối khởi công.
Theo cơ quan chức năng địa phương, trước ngày diễn ra lễ khởi công, trên một số trang mạng xã hội đăng tải thông tin tuyên truyền rằng “người dân tộc K’Ho ở thôn K’Rèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng bị chính quyền cướp đất”, “chính quyền cướp đất để giao cho doanh nghiệp…”, đồng thời, kích động người dân, phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số, đến khu vực lễ khởi công tạo điểm “nóng”. Cơ quan chức năng xác định, thông tin trên do các trang phản động, tổ chức khủng bố bóp méo sự thật, loan tin để kích động, xúi bẩy người dân chống phá chính quyền; chống đối, không bàn giao mặt bằng, cản trở việc thi công dự án.
Thưa ông, công tác giải phóng mặt bằng, chi trả bồi thường tại dự án hồ chứa nước Ta Hoét đến nay ra sao?
Dự án hồ chứa nước Ta Hoét là công trình trọng điểm của tỉnh, sau 10 năm đề xuất triển khai thì tới năm 2020 mới được bố trí vốn để thực hiện với mức vốn gần 1 ngàn tỷ đồng (981,6 tỷ đồng -PV). Dự án do Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư, UBND huyện Đức Trọng là chủ đầu tư hợp phần giải phóng mặt bằng (GPMB).
Ông Lê Nguyên Hoàng- Phó Chủ tịch huyện Đức Trọng trả lời PLVN thông tin liên quan dự án hồ chứa nước Ta Hoét. |
Sau khi được các cấp có thẩm quyền chấp thuận triển khai dự án, UBND huyện Đức Trọng đã lập các hồ sơ, tiến hành kiểm đếm, tính toán số tiền cần đền bù cho các hộ theo quy định pháp luật.
Sau khi phê duyệt mức đền bù, nhiều hộ dân cho rằng giá đề bù thấp, do vậy UBND huyện rà soát lại, khảo sát lại giá để đề xuất UBND tỉnh xem xét. Đến ngày 12/9/2022 UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh đền bù giá đất. Trên cơ sở đó, UBND huyện kiểm đếm bổ sung, áp giá để tính toán giá trị bồi thường cho các hộ, ước tính khoảng 227 tỷ đồng. Đến nay đã chi trả 70,1 tỷ đồng, diện tích các hộ dân đã bàn giao là 25ha; có 55 hộ đã nhận tiền bồi thường.
Khu vực triển khai dự án hồ chứa nước Ta Hoét. |
Quá trình triển khai dự án, có những vấn đề gì phát sinh và đã được giải quyết thế nào, thưa ông?
Trong quá trình triển khai thực hiện, ngoài giá trị bồi thường, người dân có một số ý kiến và đã được chính quyền địa phương kịp thời tiếp thu, cụ thể:
Thứ nhất, người dân cho rằng phạm vi thu hồi rộng nên đề xuất thu hẹp phạm vi. Vấn đề này UBND huyện đã báo cáo tỉnh và tỉnh đồng ý điều chỉnh một phần để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến sản xuất của các hộ dân. Cụ thể, sau khi điều chỉnh, diện tích thu hồi thực hiện dự án là 125,55ha.
Thứ hai, đối với những trường hợp diện tích đất người dân canh tác nhưng nằm trong hành lang lộ giới của tuyến đường, cũng như hành lang mương, UBND huyện đã rà soát, bồi thường, hỗ trợ với những hộ đủ điều kiện.
Thứ ba, các hộ dân đề xuất bồi thường chi phí đầu tư hạ tầng điện và hệ thống ống tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau khi xin chủ trương của cấp trên, huyện đã rà soát để xem xét giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Thứ tư, các hộ dân cho rằng, các hộ dân đa phần là đồng bào dân tộc Tây Nguyên sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, không có đất tái định canh. Về việc này, UBND huyện đã xây dựng đề án, rà soát diện tích khoảng 48,8ha để lập khu tái định canh cho người dân cách vị trí thu hồi đất khoảng 3km.
Phối cảnh dự án sau khi hoàn thành. |
Có dư luận cho rằng ở khu vực triển khai dự án hồ chứa nước có dự án khác của doanh nghiệp nên việc triển khai dự án có mục đích phục vụ lợi ích doanh nghiệp, xin ông nói rõ thông tin này?
Tôi xin khẳng định lại cho rõ rằng, hồ chứa nước Ta Hoét là công trình đầu tư công, do nhà nước đầu tư, mục đích nhằm giải quyết việc cung cấp nước cho khoảng 2.580ha đất sản xuất nông nghiệp thiếu nước; đồng thời giải quyết cho trên 65.000 hộ dân của thị trấn Liên Nghĩa và các xã lân cận của huyện Đức Trọng được tiếp cận nguồn nước sạch. Đó là mục tiêu chung của dự án, vừa nhằm cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Trước đây, gần khu vực triển khai dự án hồ chứa nước có dự án trồng rừng và phát triển rừng của công ty Hàn Việt, tuy nhiên do không hiệu quả nên UBND tỉnh đã thu hồi dự án, giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý diện tích đất thu hồi; UBND tỉnh cho một đơn vị khác chuyển nhượng tài sản trên đất. Hai dự án này không liên quan đến nhau, không trùng vị trí triển khai, do đó thông tin trên là hoàn toàn sai trái.
Còn một số hộ dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường vẫn sản xuất trên diện tích đất sẽ triển khai dự án. |
Xin ông cho biết đến nay việc triển khai dự án còn vướng mắc gì, hướng giải quyết sắp tới ra sao?
Đến thời điểm này, một số hộ chưa đồng thuận chỉ nói rằng muốn giữ lại đất để sản xuất, không thống nhất việc thực hiện dự án. Sắp tới, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, một tổ công tác được thành lập để rà soát lại các nội dung liên quan, cụ thể:
Một là, thực hiện công khai lại toàn bộ những nội dung liên quan tới dự án để tất cả các hộ dân được biết mặc dù trước đây UBND huyện đã thực hiện rồi.
Hai là, rà soát lại toàn bộ nội dung liên quan đến giá cả đền bù, quyền lợi của người dân; nếu có nội dung gì chưa phù hợp, chưa đúng thì rà soát, bổ sung nhằm tạo sự đồng thuận cao nhất.
Ba là, tiếp tục tuyên truyền vận động để người dân thấy được tầm quan trọng của dự án, một số người dân nói rằng họ không hưởng lợi từ dự án nhưng phải nghĩ tới cái chung, lợi ích tập thể của người dân toàn huyện.
Bốn là, bóc tách những trường hợp tham gia nhóm họp, kích động để có biện pháp xử lý nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự.
Năm là, khẩn trương hoàn thiện thủ tục để xây dựng khu tái định canh, tạo điều kiện để người dân ổn định cuộc sống.
Chính quyền địa phương tiếp tục ghi nhận những ý kiến của người dân để tiếp thu, xử lý. |
Tinh thần chung là sau khi khởi công sẽ tích cực triển khai thi công nhằm đảm bảo tiến độ dự án. Với phần đất người dân đã bàn giao thì sẽ thi công ngay, còn phần đất còn vướng mắc sẽ đẩy nhanh việc rà soát quyền lợi của người dân nhằm đảm bảo đầy đủ theo quy định pháp luật, đồng thời tiếp tục tuyên truyền nhằm tạo được sự đồng thuận cao nhất.
Chúng tôi mong muốn tất cả các hộ dân có liên quan vì lợi ích chung mà ủng hộ, có sự đồng tình cao đối với việc triển khai dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Còn quyền lợi của các hộ dân, dưới góc độ quản lý nhà nước chúng tôi sẽ tập trung triển khai rà soát, điều chỉnh nhằm đảm bảo mọi quyền lợi chính đáng theo quy định của pháp luật.
Trân trọng cảm ơn ông!
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phát đi thông báo kết luận của ông Trần Văn Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc về tình hình triển khai thực hiện Dự án hồ chứa nước Ta Hoét. Chủ tịch Lâm Đồng khẳng định, dự án hồ chứa nước Ta Hoét là công trình công cộng, không có việc xây dựng hồ để phục vụ lợi ích của doanh nghiệp. Trình tự thủ tục pháp lý để triển khai thực hiện dự án bảo đảm đúng các quy định hiện hành.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng nhìn nhận, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, công tác chuẩn bị (nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng) chưa chặt chẽ, chưa thực hiện đúng quy trình; chủ đầu tư và chính quyền địa phương chậm công khai thông tin liên quan đến dự án (về mục tiêu, nhiệm vụ, phạm vi, ranh giới thu hồi đất, hồ sơ pháp lý...) và chưa lường trước những khó khăn, vướng mắc gặp phải để có phương án xử lý... cho nên người dân chưa hiểu rõ và chưa đồng thuận cao. Thậm chí, một số người dân còn cản trở, gây ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan, tham mưu đề xuất UBND tỉnh thành lập Tổ công tác chỉ đạo và giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án hồ chứa nước Ta Hoét (do đồng chí Võ Ngọc Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng); xây dựng dự thảo chương trình, kế hoạch để rà soát, đôn đốc, giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án hồ chứa nước Ta Hoét, bảo đảm phù hợp với các quy định.