Lâm Đồng chỉ đạo gỡ vướng quy hoạch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu UBND các huyện, TP khẩn trương thực hiện công tác rà soát lại tất cả các quy hoạch đã được phê duyệt; kịp thời phát hiện những khu vực, nội dung không đồng bộ, chưa phù hợp và bất hợp lý giữa các quy hoạch... báo cáo UBND tỉnh trước 30/3/2023.
Quy hoạch Đà Lạt bị đánh giá còn một số vướng mắc, bất cập. (Ảnh minh họa)
Quy hoạch Đà Lạt bị đánh giá còn một số vướng mắc, bất cập. (Ảnh minh họa)

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng, TN&MT, UBND các huyện, TP về việc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến sự không thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) và quy hoạch xây dựng.

Trước đó, ngày 9/1/2023, UBND tỉnh đã làm việc với các sở, ngành, địa phương về tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan quy hoạch. Tiếp đó, ngày 17/1/2023, tập thể lãnh đạo UBND tỉnh cũng bàn về nội dung trên. Trên cơ sở các ý kiến, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, TP khẩn trương thực hiện công tác rà soát lại tất cả các quy hoạch đã được phê duyệt; kịp thời phát hiện những khu vực, nội dung không đồng bộ, chưa phù hợp và bất hợp lý giữa các quy hoạch. Từ đó lựa chọn những nội dung phù hợp nhất làm cơ sở đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch đã được duyệt đảm bảo tuân thủ, đúng pháp luật; báo cáo UBND tỉnh, Sở Xây dựng, TN&MT kết quả thực hiện trước ngày 30/3/2023.

Đồng thời UBND các huyện, TP khẩn trương lập đầy đủ tất cả các cấp độ quy hoạch (quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết) theo quy định. Với những khu vực mà địa phương định hướng và dự kiến phát triển mở rộng không gian đô thị hoặc đề xuất hình thành khu đô thị mới, khu dân cư mới; cần đảm bảo đúng quy định và phù hợp quy hoạch cấp trên. Với những quy hoạch xây dựng đã hết thời kỳ quy hoạch, phải tiến hành lập lại quy hoạch theo đúng quy định.

Với việc giải quyết hồ sơ chuyển mục đích SDĐ, UBND tỉnh yêu cầu phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp giữa quy hoạch SDĐ và quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Với khu vực chưa có quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị (đặc biệt là khu vực nông thôn), khu vực đã có quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã hết thời kỳ quy hoạch; thì điều kiện để xem xét, giải quyết hồ sơ chuyển mục đích SDĐ là phải phù hợp với quy hoạch SDĐ và kế hoạch SDĐ hàng năm đã được phê duyệt.

UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch các đồ án đã đến kỳ điều chỉnh hoặc đã hết thời kỳ quy hoạch. Căn cứ Luật Kinh doanh bất động sản để hướng dẫn các địa phương về xác định dự án kinh doanh bất động sản với các trường hợp phân lô, tách thửa; hoàn thành trước 20/2/2023.

UBND tỉnh giao Sở TN&MT đôn đốc UBND các huyện, TP khẩn trương hoàn thành quy hoạch SDĐ cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030, trình UBND tỉnh trước 15/2/2023 xem xét, phê duyệt. Sở TN&MT chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng làm rõ chỉ tiêu quy hoạch đất đô thị với diện tích 106.356ha đã được Thủ tướng phân bổ; từ đó thống nhất, hướng dẫn các huyện, TP phân bố chỉ tiêu đất đô thị, lập quy hoạch SDĐ theo hướng: Việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch SDĐ đô thị phải ưu tiên, tập trung cho những khu vực đã phát triển ổn định theo quy hoạch, kế hoạch SDĐ giai đoạn trước; và những khu vực có khả năng, định hướng phát triển trong thời gian tới, không phân bố với những nơi chưa có khả năng phát triển giai đoạn 2021 - 2030.

Vì sao quy hoạch “đá” quy hoạch

Trước đó, PLVN có loạt bài phản ánh về bất cập quy hoạch trên địa bàn TP Đà Lạt, từ đó hạn chế nguồn lực để TP phát triển. Theo đó, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Đà Lạt và vùng phụ cận đến 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 và Quyết định 1409/QĐ-UBND ngày 27/6/2019 của Lâm Đồng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch SDĐ đến 2020 của Đà Lạt; được xem là “xương sống” để Đà Lạt phát triển.

Nhưng qua thực tế triển khai, những quy hoạch trên đã bộc lộ nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ. Những bất cập quy hoạch dẫn tới những tình huống oái ăm như: Được cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ là đất ở đô thị nhưng không thể xây nhà ở; đang có đất ở đô thị bỗng nhiên bị quy hoạch thành đất công viên cây xanh, đất trồng cây…

Giải thích vì sao các quy hoạch SDĐ của Đà Lạt chưa có sự thống nhất, đồng bộ, lãnh đạo UBND TP cho biết, Đà Lạt chịu sự điều chỉnh của hai Quy hoạch trên. Năm 1994 có Quy hoạch chung 620, năm 2002 thay thế bằng Quy hoạch 409, đến 2014 có Quy hoạch chung 704 (hiện đang áp dụng). Tương ứng với quy hoạch chung, năm 2015 tỉnh ban hành Quy hoạch 681 phê duyệt kế hoạch SDĐ 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015). Đến 2019, tỉnh điều chỉnh Quy hoạch 681 bằng Quy hoạch 1409 phê duyệt kế hoạch SDĐ 5 năm kỳ cuối (từ 2015 - 2020).

Bất cập là việc điều chỉnh Quy hoạch 681 bằng Quy hoạch 1409 dựa vào Quy hoạch chung 409 được ban hành 2002 (khi đó Luật Đất đai 2013 chưa có và chưa có Quy hoạch 704) dẫn đến sự chưa thống nhất giữa quy hoạch 704 và Quy hoạch 1409. Hiện Lâm Đồng đang trình Thủ tướng điều chỉnh Quy hoạch 704, đồng thời rà soát điều chỉnh Quy hoạch 1409, khi đó hai quy hoạch mới thống nhất, đồng bộ.

Đọc thêm