Huyễn hoặc câu chuyện “vàng sống” dưới chân hòn đá bí ẩn

(PLO) - Một khối đá khắc những ký tự lạ tọa lạc giữa cánh đồng mía của bà con thôn Tư Lương (xã Tân An, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai) đến nay vẫn là một bí ẩn khiến bao thế hệ dân làng và du khách tò mò tìm đến chiêm ngưỡng. 
Huyễn hoặc câu chuyện “vàng sống” dưới chân hòn đá bí ẩn
Đào nát chân đá tìm vàng
Chạy dọc theo quốc lộ 19 về hướng Đông, cách trung tâm TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) hơn 80km, thôn Tư Lương hiện ra mang đậm bản sắc của một làng nông nghiệp. Hỏi về hòn đá lạ trong thôn, từ người già đến người trẻ không ai không biết. Một người đàn ông trung niên còn hồ hởi dẫn đường cho khách đến tận nơi “thăm” đá.
Không hề hỏi khách từ đâu đến hay đi đâu, làm gì, người dẫn đường chỉ say sưa kể về hòn đá. Khi gần chia tay, ông mới giới thiệu mình là Võ Xuân Thành (SN 1953) đang giữ chức vụ thôn trưởng thôn Tư Lương này. Theo lời kể, ông Thành theo gia đình vào đây sinh sống từ ngày nhỏ xíu. Lúc đó ông đã thấy hòn đá có chữ viết kỳ lạ nằm ở đây và thường cùng đám bạn chăn trâu lân la ngồi tựa vào chân đá. Khi về nhà, ông cũng thắc mắc hỏi người lớn những chữ đó là gì và do ai viết nhưng mọi người đều lắc đầu. Cho đến bây giờ, khi ông đã ngoài  60 tuổi, điều đó vẫn còn là bí ẩn.
Cận cảnh “hòn đá chữ”
Cận cảnh “hòn đá chữ” 
Nằm giữa rất nhiều hòn đá lớn nhỏ, cây cối mọc um tùm, phiến đá kỳ lạ có hình dáng như một tấm bia hướng về phía Đông, mặt trước và mặt sau đều phẳng. Đá cao chừng 2m, bề ngang khoảng 1,5m, càng lên cao càng nhỏ lại. Những hàng chữ được khắc chìm trên đá, đường nét rất tinh xảo và ngay ngắn, mặt trước có chín hàng, mặt sau 3 hàng. 
Ông Thành cho biết, vì phiến đá có khắc chữ không ai giải thích được nên từ đây cũng có nhiều câu chuyện được thêu dệt. Có người cho rằng đó là bản đồ chỉ đến một kho báu bí ẩn nào đó quanh khu vực. Người khác lại cho rằng ở dưới chân phiến đá có chôn giấu vàng hay những cổ vật giá trị. Vì thế nhiều tốp người đã kéo đến đây thi nhau đào bới nhưng lần lượt đành thất vọng về không. 
“Cách đây vài năm có một đám thanh niên khoảng 10 người mang theo xà beng, cuốc xẻng đến đào bới dưới chân hòn đá để tìm vàng. Nhưng đào mãi cũng chẳng thấy gì, còn làm cho chân đá sâu như bây giờ”, ông Thành nói và chỉ tay vào những vết đất mới dưới chân đá.
Một số người trẻ tuổi là con và cháu họ của ông Thành khi nhắc tới hòn đá lại tỏ vẻ e sợ. Họ cho biết, khi còn nhỏ đã nghe mọi người trong làng truyền tai nhau ở phiến đá ấy có “vàng sống”. Theo tưởng tượng của dân làng, “vàng sống” là một khối vàng có hình dáng và kích thước giống với con người, di chuyển được, thường xuất  hiện vào đêm khuya. Người nào vô tình đi ngang qua vào ban đêm gặp “vàng sống” sẽ thiệt mạng, bị “bắt” về nhốt dưới chân đá để ngày đêm canh giữ phụng sự cho “thần” đá.
Bí ẩn bia đá người Chăm
Nghe con cháu nhắc đến chuyện “vàng sống”, cụ ông Võ Cự ( 95 tuổi, người làng quen gọi cụ Sử) cười hóm hỉnh. Ông giải thích vì sợ các thế hệ con cháu sinh sau đẻ muộn không biết bảo vệ hòn đá nên người làng đã dệt nên câu chuyện “vàng sống” để đám trẻ thấy sợ mà không dám xâm phạm phiến đá. “Những người cùng thời tôi trong làng giờ còn sống cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mọi người gọi tôi là “ông Sử” cũng vì tôi sống ở đây lâu đời nên những việc xảy ra trong làng tôi đều nắm được”, ông cụ cho hay.
Đồng thời, cụ cũng chia sẻ quan điểm đây là phiến đá… sống. Theo cụ, đá cũng giống như con người. Một hòn đá chết không “phát triển” ra được, nhưng hòn đá sống theo thời gian sẽ to ra và cao thêm. Hòn đá chữ bí ẩn này cũng là một hòn đá sống.
Một cao niên cho hay dân gian thêu dệt truyền thuyết “vàng sống” để hòn đá khỏi bị xâm hại
 Một cao niên cho hay dân gian thêu dệt truyền thuyết “vàng sống” để hòn đá khỏi bị xâm hại 
Bên cạnh phiến đá khắc chữ bí ẩn trên, ông Trưởng thôn còn cho biết nằm sâu trong chân núi có một giếng nước cũng kỳ lạ. Thành giếng ghép từ đá, thời điểm ra đời không rõ nhưng người trong làng đều đoán giếng cùng niên đại với phiến đá. Do giếng nằm giữa rẫy nên người chủ rẫy đã san bằng giếng để tiện canh tác.
Đi tìm lời giải thích cho phiến đá khắc chữ cổ và cái giếng nước không rõ nguồn gốc, các cán bộ nghiên cứu của Viện khảo cổ học Việt Nam đã xuống thực nghiệm địa bàn. Anh Phan Thanh Toàn (cán bộ nghiên cứu của viện) lý giải: 
“Đây là một cái bia đá của người Chăm, khắc bằng tiếng Hán gọi là bia Ma Nhai. Sở dĩ mặt bia quay về hướng Đông vì theo truyền thống của người Chăm các kiến trúc của họ thường quay về hướng mặt trời mọc”. Đoàn nghiên cứu đang dịch những dòng chữ này để biết chính xác niên đại ra đời của bia đá. 
Quanh khu vực này cũng phát hiện nhiều điểm đồ đá nằm rải rác từ huyện Kbang (thị xã An Khê, huyện Đăk Pơ) đến huyện Kong Chro của tỉnh Gia Lai. Trong đó có cả những điểm đồ đá cũ và những phân xưởng đồ đá mới từ hàng vạn năm cho đến 2000 năm tuổi. 
Nơi bia đá này tọa lạc cũng chính là nơi phát hiện ra một công xưởng sản xuất rìu đá có niên đại từ 4000 đến 3.500 năm. “Việc dịch bia đá rất quan trọng, sắp tới công an sẽ công bố những kết luận cụ thể liên quan đến bia đá và những đồ đá quanh khu vực”, một cán bộ nói./.