Huyện Ia Pa thoát nghèo bền vững nhờ đồng vốn nhân văn

(PLVN) - Không chỉ dừng lại ở con số dư nợ tăng trưởng ấn tượng, vốn tín dụng chính sách (TDCS) tại huyện Ia Pa, huyện Gia Lai, được bà con các dân tộc thiểu số vay sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Nông dân huyện Ia Pa phát triển chăn nuôi từ vốn tín dụng chính sách.
Nông dân huyện Ia Pa phát triển chăn nuôi từ vốn tín dụng chính sách.

Ông Trần Ánh Tôn, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Ia Pa dẫn chúng tôi thăm một số mô hình phát triển kinh tế từ vốn TDCS. Ông cho biết: Điểm nổi bật trong gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” ở huyện Ia Pa là được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị. Dòng vốn TDCS đã phát huy tác dụng tích cực, trở thành “trợ lực” quan trọng, đồng hành với những người nông dân cần cù, có ý chí vươn lên có vốn để phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo, làm giàu trên vùng đất Ia Pa.

Nếu năm 2020, tổng dư nợ chỉ đạt 278 tỷ đồng với 3.848 lượt hộ vay thì đến năm 2023, con số này là 390 tỷ đồng với 8.717 lượt hộ vay, tăng 47%. Riêng năm 2023, thực hiện cho vay hộ nghèo 23,077 tỷ đồng, với 543 lượt hộ vay; hộ cận nghèo 19,026 tỷ đồng, với 431 lượt hộ vay; hộ mới thoát nghèo 7,150 tỷ đồng, với 169 lượt hộ vay; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 14,011 tỷ đồng, với 770 lượt hộ vay, xây dựng được 1.460 công trình nước sạch nông thôn; giải quyết việc làm 9,763 tỷ đồng, với 258 lượt hộ vay, giải quyết việc làm cho 258 lao động; cho vay hộ gia đình tại vùng khó khăn 30, 671 tỷ đồng, với 797 lượt hộ vay; cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi 8,568 tỷ đồng, với 154 lượt hộ vay…

Nguồn vốn TDCS đã đến được với tất cả hộ nghèo trong huyện đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn, được sử dụng đầu tư vào phát triển sản xuất như: trồng và chăm sóc mía, điều, chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản, lấy thịt… góp phần chuyển biến nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, đến nay huyện Ia Pa đã có 2 xã là Ia Mrơn và Ia Tul đạt chuẩn nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm của huyện giảm 4-5%. Thu nhập bình quân đầu người từ 2,6 triệu đồng năm 2003 tăng lên 44 triệu đồng năm 2023.

Nhờ nguồn vốn TDCS mà hàng trăm hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả như: bà Ksor H’Chôr, Ksor H’Jú ở buôn Đắk Chá, xã Ia Mrơn; ông Hiao Anh, Hiao Quyên, buôn Biah B, xã Ia Tul… bà Ksor H’Jú phấn khởi: “Trước kia nhà tôi nghèo quá. May mà nhờ đồng vốn của NHCSXH nên nay kinh tế đã khá hơn nhiều. Tôi đã trả hết nợ, còn lãi mấy con bò, trồng thêm 4 ha mía, 2 ha mì đang phát triển rất tốt…”. Ánh mắt bà như ánh lên niềm vui về cuộc đổi đời đã đến với gia đình như một niềm tin vững chắc ở tương lai.

Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn TDCS, ông Phạm Quốc Quyền - Chủ tịch UBND xã Chư Mố cho biết, xã hiện đã cơ bản đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6%. Kết quả này là nhờ tập trung triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, đặc biệt là nguồn vốn TDCS. Tương tự, việc phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng hộ nghèo, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư đối với các xã như: Pờ Tó, Ia Trok, Chư Răng, Ia K’Đăm… đã mang lại kết quả thiết thực. Bà Kpă H’Yư- Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Broăi khẳng định: “Nhờ sự hỗ trợ hiệu quả này, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 7%. Hội viên phụ nữ muốn được vay nhiều hơn vốn TDCS”.

Có thể khẳng định, vốn tín dụng ưu đãi đã giúp người nghèo và đối tượng chính sách ở Ia Pa thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giảm nghèo bền vững, hướng tới làm giàu, hạn chế nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Đồng vốn nhân văn đã bắc nhịp cầu phát triển kinh tế không chỉ cho người nghèo và các đối tượng chính sách mà hơn cả là vì sự phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên vùng cao Ia Pa. Dòng vốn TDCS đã và đang chảy đều đặn, thấm sâu trong lòng đất, nảy mầm, sinh sôi trên vùng quê nghèo khó ngày xưa.

Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ia Pa cho biết, năm 2024, đơn vị tiếp tục điều hành hoạt động TDCS trên địa bàn hiệu quả, bảo đảm cung cấp dịch vụ tới 100% người nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn. Triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi. Đặc biệt, đơn vị chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, đạo đức nghề nghiệp tốt, có phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát dân với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.

Đọc thêm