Huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc: Ưu tiên phổ biến pháp luật cho người dân tộc thiểu số

(PLVN) - Trong sự phát triển đi lên của Tam Đảo, có đóng góp của công tác tư pháp, với điểm sáng là phổ biến pháp luật cho người dân tộc thiểu số.

Tam Đảo là một huyện miền núi, nằm ở phía đông bắc của tỉnh Vĩnh Phúc, dân số trên 80.000 người, trong đó 44,5% là người dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Sán Dìu). Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, nhân dân các dân tộc trong huyện luôn đoàn kết một lòng, khắc phục mọi khó khăn và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trên các lĩnh vực của đời sống. Trong thành công chung đó, có phần đóng góp không nhỏ của công tác tư pháp, với điểm sáng là công tác phổ biến, giáo dục cho người dân tộc thiểu số.

Để tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số có cơ hội vươn lên, thu hẹp dần khoảng cách, trong thời gian qua Đảng bộ huyện Tam Đảo đã đề ra nhiều chính sách ưu tiên đối với người dân tộc thiểu số. Trong đó xác định, công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chính sách, pháp luật cho người dân tộc về quyền lợi, nghĩa vụ và lợi ích chính đáng của mình là một nhiệm vụ quan trọng. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là sự phối hợp của các ban ngành trong hệ thống chính trị của huyện đã triển khai tích cực qua rất nhiều kênh như: thông qua các chương trình, kế hoạch, các đợt tổ chức tuyên truyền pháp luật hàng năm, tuyên truyền qua hệ thống tài liệu, hệ thống truyền thanh huyện và cơ sở về công tác Dân tộc...

Đồng chí Trần Như Trai, Trưởng phòng Tư pháp huyện Tam Đảo cho biết: “Trong những năm qua, Phòng Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp; các phòng, ban, ngành, đoàn thể; UBND các xã, thị trấn tổ chức 60 lớp tập huấn phổ biến kiến thức pháp luật và trợ giúp pháp lý về phòng, chống bạo lực gia đình; pháp luật về khiếu nại, tố cáo, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, Luật An toàn thực phẩm, Luật Giao thông đường bộ... cho hơn 8.000 lượt người tham dự, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 3.000 lượt người; phối hợp với Trung tâm TGPL của tỉnh tổ chức trên 10 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động tại các thôn trên địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đặc biệt, 100% các thôn có người dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện đều được tổ chức Trợ giúp pháp lý lưu động. Qua việc tư vấn, giải đáp trực tiếp các chính sách pháp luật đã góp phần trang bị cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện những kiến thức pháp lý cơ bản, thiết thực để họ tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và có ý thức tự giác chấp hành pháp luật”. 

Thông qua chương trình tuyên truyền phổ biến, pháp luật nhận thức của người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao, được tiếp cận với các nguồn thông tin về pháp luật, về chấp hành pháp luật, về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của huyện miền núi.

Tuy nhiên công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong vùng dân tộc thiểu số cũng bộc lộ một số hạn chế bất cập, do trình độ dân trí thấp, do ảnh hưởng của phong tục tập quán lạc hậu của đồng bào, mặt khác đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền trong vùng dân tộc còn thiếu, kỹ năng truyền đạt còn hạn chế, chưa am hiểu hết phong tục tập quán đồng bào…

Để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số UBND huyện Tam Đảo chỉ đạo: đa dạng hình thức tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm giúp cho đồng bào các dân tộc thường xuyên được tiếp cận thông tin như: Thông qua các cuộc giao lưu, hội diễn văn hóa văn nghệ, câu lạc bộ dân ca, dân vũ; xây dựng phóng sự phát thanh và truyền hình; tổ chức các cuộc thi, hội thi...Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ về công tác tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên là người dân tộc thiểu số, đặc biệt là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh và phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, lợi thế, uy tín, sự tín nhiệm và am hiểu phong tục, tập quán sinh hoạt của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên là người dân tộc thiểu số trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số... 

Đọc thêm