Huyền thoại các trận cầu và những bước chân phi thường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đã hơn 90 năm trôi qua kể từ khi bóng đá nữ du nhập vào Việt Nam. Những “bóng hồng” ngày ấy đã đi vào huyền thoại với những trận cầu đáng nhớ. Và nay, tuyển nữ Việt Nam lần đầu có mặt tại World Cup 2023, ghi dấu ấn về tinh thần thi đấu của những cô gái Việt bé nhỏ...
Các cô gái Việt Nam và hành trình phi thường tới sân chơi World Cup. (Ảnh: Internet)
Các cô gái Việt Nam và hành trình phi thường tới sân chơi World Cup. (Ảnh: Internet)

Những trận cầu vang dội đầu thế kỷ trước

Bóng đá du nhập vào Việt Nam từ năm 1896 dưới thời Pháp thuộc. Đội tuyển nữ Cái Vồn được thành lập năm 1932 được xem là đội bóng đá nữ đầu tiên của châu Á.

Năm 1932, ở Cần Thơ xuất hiện đội bóng đá nữ đầu tiên mang tên đội nữ Cái Vồn. Hồi đấy, đội bóng này được thành lập với niềm tin chống sự bất bình đẳng trong nam nữ. Sau khi thành lập, đội đi đến đâu đều được ủng hộ nồng nhiệt. Đội thi đấu khắp miền Tây, lên tận Sài Gòn đều gây tiếng vang dù các đối thủ đều là... nam.

Đội mang tên Cái Vồn (Equipe Feminine de Cai-Von), tên gọi dân dã như chính xuất thân từ miệt vườn của các cầu thủ. Những chị nông dân, phu khuân vác, phu kéo xe tại miệt vườn Cần Thơ là cầu thủ của đội. Đội Cái Vồn vận động được 30 nữ thanh niên khỏe mạnh, tuổi từ 18 đến 32, còn độc thân. Phụ trách huấn luyện đội là ba HLV Ba Sung, Sáu Sung và Bảy Bá. Những cái tên nổi bật của đội Cái Vồn thời mới thành lập là Mười Kén, Út Thôi, Hai Tỉnh, Ba Triệu, Út Lẹo... Xuất sắc nhất trong số này là một nữ sinh người Pháp 18 tuổi - Marguerite chơi ở vị trí trung phong và được bầu làm đội trưởng.

Các cô gái hồi ấy không dám cắt tóc ngắn mà phải bới tóc sát trên đỉnh đầu rồi dùng một chiếc mũ bê-rê trùm lên cho tóc không bị xổ ra, vì thế trước khi ra sân các cô phải nai nịt như kỵ binh ra trận.

Đội được nhiều vị Mạnh Thường Quân hỗ trợ và thi đấu toàn đi canô đến các vùng sâu, vùng xa nơi có bóng đá nam thách đấu.

Trận ra quân đầu tiên của đội bóng đá nữ Cái Vồn là trận giao hữu với đội bóng đá nam trong làng Mỹ Thuận. Sân bóng đá là một thửa ruộng trên một mẫu, không còn chỗ trống. Quận trưởng quận Trà Ôn cũng đến xem và tặng 24 bộ đồng phục cầu thủ cùng 2.000 đồng tiền Đông Dương.

Sau trận ra quân, đội được nhiều đội bóng đá nam cấp quận, cấp tỉnh mời thi đấu. Càng thi đấu trình độ chị em càng nâng cao và người ủng hộ ngày càng đông.

Sau một năm thành công của đội bóng đầu tiên thì cũng tại Cần Thơ, đội nữ thứ hai được lập là đội Xóm Chài. Sau có thêm đội Bà Trưng ở miệt Rạch Giá - Long Xuyên rồi tiếp đến là các đội Huỳnh Ký, Thủ Dầu Một...

Ngày 2/7/1933 là ngày đáng nhớ khi lần đầu tiên có trận cầu giữa hai đội bóng đá nữ: Đội nữ Cái Vồn đấu với đội nữ Xóm Chài.

Năm 1933, đội nam Paul Bert vô địch giải hạng nhì ở Sài Gòn đánh bạo mời đội nữ Cái Vồn lên thi đấu. Hôm đón đội nữ Cái Vồn tại Sài Gòn long trọng không thua gì đón nguyên thủ.

Đội nữ Cái Vồn ra sân trong trang phục áo trắng, quần đen, giày bố trắng và mũ trắng. Trận đấu diễn ra vào tháng 7 mưa dầm. Sân đọng nước, cầu thủ hai đội té lên té xuống. Để chắc ăn, nhiều chị quyết định cởi giày đá chân không để khỏi té.

Năm ấy, tại sân Mayer, đội nữ Cái Vồn thi đấu ngang hàng với đội nam Paul Bert với kết quả hòa 2-2. Sân Mayer xưa nằm trong khu tứ giác Hiền Vương (Võ Thị Sáu) - Đoàn Thị Điểm (Trương Định) - Bà Huyện Thanh Quan và Yên Đổ (Lý Chính Thắng) có sức chứa 6.000 người, lớn gấp đôi sân Tao Đàn lúc ấy chỉ chứa 3.000 người. Mãi về sau, nhiều người cao tuổi ở Sài Gòn vẫn kể cho con cháu nghe trận cầu lịch sử đầy cảm xúc này.

Trận đấu ấy đội nữ Cái Vồn được Tổng cục Thể thao Nam kỳ khen tặng, thưởng 5.000 đồng tiền Đông Dương...

Tuy nhiên, tuổi thọ của đội nữ Cái Vồn chỉ kéo dài đúng 5 năm, khi các nữ cầu thủ lần lượt lập gia đình và không có đội ngũ kế thừa. Đặc biệt, cha đỡ đầu - một người du học từ Pháp về, ông Phan Khắc Sửu do tham gia hoạt động đấu tranh đòi độc lập cho Việt Nam nên bị chính quyền thuộc địa đày đi Côn Đảo 8 năm. Thế nên, đội bóng đá nữ đầu tiên của châu Á tan rã từ đó.

Và những hành trình dài thương nhớ

Cũng tại miền Nam, TP Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong trong việc phục hồi bóng đá nữ. 40 năm trước, ông Trần Thanh Ngữ, người được coi là “cha đẻ” của bóng đá nữ Việt Nam nhận công tác tại Trung tâm Thể dục thể thao quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Ở vị trí này, ông bắt đầu manh nha ý tưởng thành lập các đội thể thao nữ và đội bóng đá nữ quận 1 đã ra đời. Phía đầu cầu miền Bắc, ông Hoàng Vĩnh Giang, khi ấy đang là Giám đốc Sở Thể dục Thể thao Hà Nội đã đứng ra thành lập đội bóng Hoa Học Trò. Đây là những viên gạch đầu tiên trong công cuộc xây dựng nền bóng đá nữ nước nhà.

Đến năm 1997, đội tuyển nữ Việt Nam có mặt tại SEA Games 19 ở Indonesia và có ngay tấm Huy chương Đồng trong lần đầu tham dự.

Ngày ấy, ông Trần Thanh Ngữ đã tiên tri: “Đời tôi chắc không đợi được Huy chương Vàng SEA Games của mấy tay đàn ông đá bóng, nhưng với chị em thì tin tôi đi, chả mấy chốc là có “vàng”!”.

Lời tiên đoán đã thành sự thật chỉ sau đó 4 năm, nhưng có lẽ kể cả trong mơ, ông Ngữ cũng không nghĩ tuyển nữ Việt Nam có thể giành được tới 8 tấm Huy chương Vàng SEA Games và còn giành luôn chiếc vé đi World Cup.

Những năm đầu mới thành lập, ông Trần Thanh Ngữ cùng các nữ cầu thủ phải vượt qua định kiến xã hội để tồn tại. Cơ sở vật chất thiếu thốn, có thời kỳ các cô gái phải ra sân tập luyện với đôi chân trần. Tại kỳ SEA Games đầu tiên, ông Trần Thanh Ngữ còn bỏ cả tiền túi ra lo cho chị em đá bóng. Đồng thời với chuyên môn dược, ông kiêm nhiệm cả việc chăm lo y tế.

Khi đội tuyển giành tấm Huy chương Vàng SEA Games đầu tiên vào năm 2001, cứ ngỡ mọi thứ đã sang trang, nhưng không. Ngày tập luyện, tối đi bán bánh mì dạo là thực tế cuộc sống của Nguyễn Thị Kim Hồng, thủ môn, Đội trưởng của bóng đá nữ Việt Nam những năm đầu tiên. Cựu tiền vệ Quách Thanh Mai khi chia tay bóng đá đã làm công việc sửa chữa xe máy phụ giúp gia đình. Những chị em khác thì đi bán nước mía, bán xôi, bán chè… để trang trải cuộc sống khi theo nghiệp “quần đùi, áo số” đầu những năm 2000.

Thế nhưng, sự vất vả không làm họ ngã lòng, cuộc sống khó khăn không khiến họ chùn bước. Kim Hồng giờ đã là huấn luyện viên dẫn dắt thủ môn Kim Thanh đến World Cup 2023. Lứa tuyển thủ vàng với những Lưu Ngọc Mai, Đoàn Thị Kim Chi, Văn Thị Thanh, rồi đến Đỗ Thị Ngọc Châm, Đặng Thị Kiều Trinh, Nguyễn Thị Minh Nguyệt… cùng những thành công đạt được đã làm thay đổi cái nhìn của mọi người. Bóng đá nữ bắt đầu được chú trọng đầu tư hơn trước.

Khi gánh nặng mưu sinh phần nào vơi bớt cũng là lúc đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam làm nên kỳ tích. Năm 2022, đội tuyển nữ Việt Nam tham dự vòng loại Asian Cup giành vé World Cup. Sau 2 trận thắng áp đảo Maldives và Tajikistan, đội tuyển đã có trong tay tấm vé vào vòng chung kết, cùng bảng với các đối thủ mạnh là Nhật Bản, Hàn Quốc và Myanmar.

Người hâm mộ từng rơi nước mắt khi nhìn thấy bức ảnh tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Liễu ra chợ bán rau - một khoảnh khắc đời thường của nữ tuyển thủ vừa trở về từ ASIAD. Liễu vẫn mặc chiếc áo khoác của đội tuyển bên gánh hàng mưu sinh. Mọi người còn nhớ “các cô gái vàng” buổi đầu ra đấu trường quốc tế ấy, họ chỉ được nhắc tới nhiều mỗi khi chiến thắng vang dội trở về. Câu chuyện từng được nhắc đến rất nhiều trước đó là trường hợp của thủ môn Nguyễn Thị Kim Hồng. Cô tập luyện chăm chỉ ban ngày rồi lại trở về với nghề bán bánh mỳ vào buổi tối để trang trải cuộc sống.

Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia vẫn qua nhiều năm với những đội bóng lúc nào cũng trong cảnh thiếu thốn, không chỉ là chuyện tiền bạc mà ngay cả sự yêu thương của số đông người hâm mộ. Chưa kể, khi quá tuổi, trở về đời thường, họ không dễ tìm cho mình một tổ ấm riêng.

Bởi vậy, trước ngày lên đường sang New Zealand, Đội trưởng Huỳnh Như nghẹn ngào nói lời cảm ơn đến nhiều thế hệ cầu thủ nữ đi trước. Chính nỗ lực bền bỉ của nhiều đàn chị giúp bóng đá nữ Việt Nam được chú ý hơn, được đầu tư nhiều hơn và tạo ra nền móng cho đội tuyển nữ Việt Nam bây giờ.

Có thể thấy, trước khi tham dự World Cup, bóng đá nữ Việt Nam đã trải qua gần 2 thập kỷ ổn định trong top 40 thế giới. Khi Huỳnh Như và đồng đội đưa bóng đá nữ Việt Nam đạt đến đỉnh cao, người hâm mộ đều biết đến đó là thành công của ý chí, kiên cường, dù trong bất cứ điều kiện khó khăn nào, những cô gái “quần đùi, áo số” ấy cũng bền bỉ vượt qua…

Cùng với việc tăng cường hợp tác quốc tế và tận dụng sự hỗ trợ của LĐBĐ thế giới, đội tuyển nữ Việt Nam được tập huấn trong và ngoài nước nhiều hơn. Chế độ dành cho các tuyển thủ quốc gia được nâng lên. HLV Mai Đức Chung trong một sự kiện mới đây nhắc đến con số một triệu đồng/ngày với sự hồ hởi sau bao năm tháng vất vả…

Cùng với đó, các đội tuyển U16, U19 nữ quốc gia vẫn tập trung gần như quanh năm. Từ đó, những nhân tố mới như Nguyễn Thị Thanh Nhã, Ngân Thị Vạn Sự, Đào Thị Kiều Oanh hay Vũ Thị Hoa lên đội tuyển quốc gia ở độ tuổi ngoài đôi mươi.

Đội tuyển Việt Nam giai đoạn từ 2017 đến nay lần lượt đòi lại ngôi hậu Đông Nam Á (trước khi mất vào năm 2022) và thống trị SEA Games với 4 tấm Huy chương Vàng liên tiếp, vươn lên hạng 32 thế giới (cao nhất kể từ năm 2015). Tấm vé tham dự World Cup 2023 là thành quả xứng đáng với vị thế ấy.

Sự phát triển của bóng đá nữ cũng là tiền đề đưa phong trào bóng đá đến nhiều hơn đến các cô gái nhỏ tuổi ở Việt Nam. Huỳnh Như, Thùy Trang, Thanh Nhã, Tuyết Dung đều là tấm gương sáng và là thần tượng của nhiều em nhỏ, truyền cảm hứng cho các em theo đuổi ước mơ với trái bóng tròn…