Gánh cải lương mini độc đáo giúp người trẻ giữ lửa nghề

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gánh cải lương Thiên Lý là tâm huyết của cô đào Tú Quyên và đạo diễn Leon Quang Lê. Gánh hoạt động phi lợi nhuận hơn một năm qua với mong muốn mang tình yêu cải lương đến gần hơn với khán giả.
Cô đào Tú Quyên trong vở diễn “Độc thoại đêm”.
Cô đào Tú Quyên trong vở diễn “Độc thoại đêm”.

Gánh cải lương đặc biệt

Nằm ẩn mình trong một căn phòng khoảng 45m² thuộc khu chung cư cũ ngay giữa trung tâm Quận 1, TP HCM, gánh cải lương Thiên Lý được thành lập bởi cô đào Tú Quyên vào tháng 8 năm 2023 và do đạo diễn Leon Quang Lê làm cố vấn nghệ thuật. Tên gánh được đặt theo tên của đoàn cải lương Thiên Lý - nơi cô đào tài sắc Thùy Vân (Tú Quyên) trong phim điện ảnh “Song Lang” gắn bó.

Chia sẻ cùng phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, Tú Quyên thú nhận, tình yêu dành cho cải lương của cô mới chỉ nhen nhóm trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ngày nhỏ, cô thích hát, thích xem cải lương và “mê” cặp nghệ sĩ Tài Linh - Vũ Linh. Đến khi lớn lên, vì có chất giọng nên cô được giới thiệu vào đoàn Nghệ thuật Tiền Giang, TP Mỹ Tho để cộng tác. Một năm sau (2015), cô được giới thiệu vào học khóa Trung cấp cải lương cuối cùng của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Tại đây, cô có thêm nhiều cơ hội để học hỏi và hiểu hơn về cải lương.

Sau khi tốt nghiệp vào tháng 4/2017, 7 tháng sau đó, Tú Quyên gây chú ý khi giành Huy chương vàng tại cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương toàn quốc. Sau đó, cô bén duyên với màn ảnh qua vai cô đào Thùy Vân trong phim “Song Lang” và nhận được sự yêu thích của khán giả bởi màn nhập vai thuyết phục.

Sau bộ phim, dù tên tuổi được chú ý hơn, cô đào trẻ vẫn dành trọn tình yêu cho cải lương. Đây cũng là lý do cô tiếp tục cộng tác với Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và học thêm lớp Đạo diễn sân khấu, trước khi quyết định thành lập gánh hát riêng. “Tôi không thích những gì ồn ào, bên ngoài nhiều quá. Một phần nữa, có lẽ là Tổ đã giao cho tôi trách nhiệm phải làm gánh hát này và tôi may mắn gặp những cộng sự cùng ý tưởng để gắn bó, đồng hành. Vì cùng là cải lương nhưng mỗi người sẽ làm theo cách khác nhau, nên nếu không hợp sẽ không thể làm được,” Tú Quyên bộc bạch.

Gánh hát của “bà bầu” sinh năm 1990 đặc biệt ở chỗ, các vở diễn sẽ sử dụng âm thanh chân thực từ các nhạc cụ dân tộc, diễn viên diễn không cần micro, khán giả cũng không cần mua vé mà chỉ cần nhắn tin qua Fanpage của gánh để đặt trước.

Người đến xem vở diễn có thể chọn chỗ ngồi trên sofa, ghế tựa hoặc ngồi bệt xuống chiếu ở dưới sàn. Trong suốt thời gian diễn ra vở diễn, không ai bảo ai, mọi người chủ động tắt chuông điện thoại, không livestream, không chụp ảnh và chỉ tập trung hướng mắt nhìn về phía bục sân khấu - nơi vỏn vẹn 4m² mà người nghệ sĩ đang ca, đang hát, đang khóc, đang cười cùng nhân vật của mình.

Đến nay, sau hơn một năm hoạt động, gánh đã thực hiện được 4 vở diễn gồm “Chuyện cô Bát Tràng”, “Bóng người xưa”, “Độc thoại đêm” và “Dương hoàng hậu”. Trong đó, vở “Độc thoại đêm” đã diễn hơn 30 suất, nhưng lượng khán giả đặt vé mỗi tuần vẫn đều đặn và có nhiều đêm “cháy vé”.

Không gian sân khấu nhỏ nhưng mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả của gánh Thiên Lý.

Không gian sân khấu nhỏ nhưng mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả của gánh Thiên Lý.

Mong “tài sản văn hóa” được duy trì

Hơn một năm gắn bó cùng gánh, hầu hết thời gian của Tú Quyên là dành cho các vở diễn tại đây. Dù công việc làm phi lợi nhuận, lo cho gánh từ “A đến Z” nhưng cô đào trẻ vô cùng hào hứng. Cô thừa nhận bản thân đã nhận được nhiều thứ nhờ có Thiên Lý.

“Tôi nghĩ gánh không nuôi sống mình bằng đồng tiền nhưng sẽ nuôi sống mình bằng cảm xúc, bằng tinh thần. Đó là một điều rất quan trọng. Nghề nghiệp gì cũng vậy, bạn phải yêu thích nó, bạn mới đi làm, mới bỏ công sức vì nó. Có thể lương không cao nhưng bạn phải thích trước đã. Như tôi và anh Leon làm gánh cũng vì yêu, vì thích, còn việc gánh có đem lại gì cho mình về kinh tế hay không lại là chuyện khác. Chúng tôi chỉ làm thôi chứ không mưu cầu hay băn khoăn quá nhiều. Đơn cử như sau khi thành lập gánh, tôi mở lớp dạy cải lương. Đó cũng là điều tự nhiên mà đến.”

Theo Tú Quyên, cô luôn mong muốn duy trì sân khấu định kỳ để các thế hệ khán giả có thể đến với gánh mỗi tối thứ Bảy mà không có bất kỳ rào cản nào. Đây cũng là lý do dù nhiều đêm diễn, khán giả không lấp đầy căn phòng nhỏ, sân khấu vẫn sáng đèn.

Nữ nghệ sĩ kể, cô từng hỏi nhiều người trẻ lý do tại sao ít nghe cải lương và nhận được câu trả lời rất quen thuộc vì “nghe nhưng không hiểu” hoặc cũng có nhiều người không biết tới thể loại này. Vì vậy, cô và các cộng sự của mình càng thêm quyết tâm và nỗ lực để có thể đưa cải lương đến gần hơn với thế hệ trẻ. Việc hát sao cho các bạn trẻ nghe hiểu, tiếp cận được nội dung của vở diễn, từ đó yêu thích và tìm hiểu bộ môn này là mục tiêu mà cô và đạo diễn Leon luôn hướng tới.

Hiện tại, ngoài việc mở các workshop để khán giả có thể tìm hiểu và trải nghiệm về các trình thức trong nghệ thuật cải lương, Tú Quyên còn mong muốn kết hợp với các trường học để chia sẻ kiến thức cho nhiều thế hệ học sinh, cũng như có thể truyền lại “lửa nghề” cho các em yêu thích loại hình nghệ thuật này. Với cô, đây không chỉ đơn thuần là một loại hình giải trí mà còn có tính giáo dục cao.

Tuy nhiên, khi được hỏi về ý định mang gánh ra sân khấu lớn hơn, Tú Quyên lắc đầu từ chối. Cô cho biết, hướng phát triển của cô và đạo diễn Leon là từ gánh sẽ giới thiệu cải lương ra quốc tế, còn ở Việt Nam, họ vẫn sẽ chỉ hoạt động ở sân khấu “mini” này.

“Nhiều khi mọi người đến nghe, thấy không gian sân khấu nhỏ, mong muốn chúng tôi đến những sân khấu lớn hơn để nhiều khán giả được xem hơn, nhưng xét về không gian, âm thanh và địa điểm, sẽ không có hiệu quả, không ra được chất và cách mà chúng tôi đang làm. Đôi khi diễn “Độc thoại đêm” ở nhà hát lớn, khán giả sẽ không thể nào nhớ hay tập trung 100%. Ở sân khấu này, họ không có điều gì cản trở mà dồn hết 100% để theo dõi vở diễn từ đầu đến cuối. Âm thanh ở đây gần, chân thực, nghe “đã” lắm. Cá nhân tôi diễn cũng vậy. Diễn ở đây riết quen rồi, giờ ra sân khấu lớn, cầm mic tôi thấy khó chịu lắm,” Tú Quyên kể.