Huyện Việt Yên (Bắc Giang): Hướng đến phát triển toàn diện văn hóa - xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, văn hóa và hiếu học của xứ Kinh Bắc xưa, những năm qua, công tác quy hoạch phát triển đô thị và văn hóa xã hội luôn được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Việt Yên đặc biệt quan tâm. Huyện đang đặt mục tiêu vừa phát triển văn hóa, xã hội hiện đại vừa phải giữ gìn văn hóa truyền thống, bảo tồn cho đời sau.
Đô thị Việt Yên phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II năm 2030. (Nguồn ảnh: chinhphu.vn)
Đô thị Việt Yên phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II năm 2030. (Nguồn ảnh: chinhphu.vn)

Phát triển bản sắc đô thị theo thời gian

Những năm qua, huyện Việt Yên có tốc độ phát triển công nghiệp - đô thị, dịch vụ vô cùng mạnh mẽ, do đó công tác quy hoạch và phát triển đô thị của huyện đã được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện quan tâm chỉ đạo với những định hướng, chủ trương phù hợp với sự phát triển của xã hội. Đồng thời, có sự hỗ trợ kịp thời của các sở, ngành, tỉnh Bắc Giang; sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân trong huyện, sự vào cuộc tích cực của các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn, do đó công tác quy hoạch được thực hiện đồng bộ ở các cấp độ quy hoạch; các đồ án được thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra.

Đánh giá về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc quy hoạch các khu đô thị du lịch, văn hóa tới sự phát triển đô thị chung của huyện, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, ông Nguyễn Đại Lượng cho biết, việc quy hoạch các khu đô thị du lịch văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển đô thị chung của huyện trong thời gian tới.

“Việc quy hoạch và đầu tư xây dựng các khu đô thị du lịch văn hóa góp phần bảo tồn và xây dựng các không gian văn hóa để gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, không gian làng Bắc Bộ đặc trưng, bảo tồn các loại hình nghệ thuật dân tộc, trong đó có nghệ thuật hát quan họ tại địa phương; đồng thời là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống, góp phần phát triển và thu hút dịch vụ du lịch của địa phương; góp phần quảng bá, lan tỏa hình ảnh của quê hương, con người Việt Yên ngày càng xa, rộng”, ông Nguyễn Đại Lượng nhấn mạnh.

Được biết, huyện Việt Yên đang tích cực hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu đến năm 2025 huyện sẽ đủ điều kiện trở thành thị xã, đạt tiêu chuẩn đô thị loại III vào năm 2030. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, nâng tỷ lệ đô thị hóa của đô thị Việt Yên cao hơn mức trung bình của tỉnh; bộ máy chính quyền tại đô thị hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chất lượng cuộc sống đô thị ngày càng nâng cao, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, gìn giữ và phát huy các yếu tố văn hóa đặc trưng; có mạng lưới dịch vụ hoàn thiện..., qua đó tạo lập bản sắc đô thị riêng, gìn giữ được các nét văn hóa đặc trưng.

Gìn giữ nét văn hóa truyền thống

Việt Yên là huyện trọng điểm công nghiệp, đang xây dựng trở thành thị xã nên Việt Yên thu hút rất nhiều người dân tới sinh sống làm ăn, buôn bán. Chính sự tác động cơ học về dân số, phát triển công nghiệp, đô thị đã khiến địa phương đối diện nhiều thách thức về quy hoạch và các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Trong đó có việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong xu hướng hội nhập, phát triển xã hội hiện đại.

Huyện Việt Yên có 18 làng quan họ; 50 câu lạc bộ quan họ do UBND cấp xã ra quyết định thành lập; 120 câu lạc bộ quan họ thực hành; 5 câu lạc bộ hát chèo, hát tuồng; 1 câu lạc bộ ca trù cấp huyện. Toàn huyện có hơn 300 di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng trong nước và quốc tế, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 20 di tích cấp quốc gia và hơn 90 di tích cấp tỉnh.

Hiện huyện Việt Yên có 22 nghệ nhân, trong đó 3 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và 19 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Hát quan họ ở xã Vân Hà, huyện Việt Yên. (Nguồn ảnh: baobacgiang.com.vn)

Hát quan họ ở xã Vân Hà, huyện Việt Yên. (Nguồn ảnh: baobacgiang.com.vn)

Trước thực tế đó, Huyện ủy Việt Yên đã đề ra nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội hiện đại gắn với giữ gìn văn hóa truyền thống. Huyện xác định, di sản văn hóa tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành du lịch, mang lại lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh địa phương. Vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện xuyên suốt.

Để bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, hằng năm, Việt Yên tổ chức liên hoan hát quan họ gắn với Lễ hội chùa Bổ Đà. Các câu lạc bộ dân ca trong huyện tham gia liên hoan hát chèo, quan họ, ca trù do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức…

Năm 2021, UBND huyện Việt Yên triển khai đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản quan họ và hát ca trù. Kết quả, đến nay xã Ninh Sơn và xã Vân Hà, huyện Việt Yên là 2 đơn vị thực hiện tốt nhất công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống quan họ. Tổ dân phố Hoàng Mai (thị trấn Nếnh) là đơn vị bảo tồn, phát huy tốt nhất văn hóa truyền thống hát chèo. Cùng với đó, huyện bố trí hàng trăm tỷ đồng tu bổ, nâng cấp các di tích lịch sử - văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện cho Nhân dân tổ chức tập luyện, sinh hoạt văn hóa cộng đồng...

Đồng chí Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên chia sẻ, để phát huy giá trị của văn hóa truyền thống, huyện sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản theo đúng cam kết với UNESCO. Thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại. Tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp giữ gìn và phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với văn hóa, con người và lịch sử. Qua đó góp phần đưa di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực để văn hóa, di sản thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội hiện đại.

Lãnh đạo huyện Việt Yên nhấn mạnh, cần phải nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân; tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các ngày lễ lớn của đất nước và các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của huyện. Đồng thời, xây dựng nếp sống văn hóa, con người Việt Yên giàu truyền thống, hiếu học, đậm nét văn hiến Kinh Bắc. Chăm lo xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh đô thị ở các khu dân cư; đưa Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đi vào chiều sâu, thực chất và tự giác. Thực hiện xây dựng các tuyến phố, các thôn, tổ dân phố văn minh sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân trong xây dựng và phát triển đô thị.

Đọc thêm