Báo cáo mới đây của Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái cho hay, tính đến 22/10, kết quả số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái là 519.537 thông tin trên tổng số 637.469 thông tin cần thực hiện, đạt 81,5%.
Trong đó, dữ liệu đã số hóa trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhóm 4 loại sổ, có tổng số là 529.694 thông tin, đã số hóa 419.447 thông tin, đạt 79,2%. Dữ liệu nhập trực tiếp lên CSDL hộ tịch điện tử nhóm 6 loại sổ, có tổng số là 107.662 thông tin, đã số hóa 100.126 thông tin, đạt 93%.
Công chức Tư pháp Yên Bái nhập thông tin từ sổ hộ tịch giấy lên sổ hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp. Ảnh: CTV. |
Thống kê cho thấy, trong số các đơn vị tiêu biểu hoàn thành số hóa trên địa bàn tỉnh Yên Bái ở cấp xã ghi nhận 60/173 xã, phường, thị trấn đã hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch. Trong số đó, huyện Trạm Tấu có phòng Tư pháp và 12/12 xã, thị trấn; TP Yên Bái có 2 phường, huyện Văn Chấn có 6 xã, huyện Mù Cang Chải có 8 xã, và thị xã Nghĩa Lộ có 3 xã; huyện Văn Yên có 2 xã; huyện Trấn Yên có 6 xã; huyện Lục Yên có 14 xã; huyện Yên Bình 6 xã đã hoàn thành 100% số hóa dữ liệu hộ tịch.
Trong quá trình thực hiện, công tác số hóa dữ liệu hộ tịch gặp khó khăn do máy móc, phương tiện kỹ thuật chưa đáp ứng được công việc, nhất là việc scan các trang sổ kích cỡ A3, scan các trang sổ đã cũ, thông tin mờ nhạt. Tuy nhiên, trong “cái khó lại có cái khôn”, xuất hiện cách làm mới, sáng tạo.
Một số xã, phường, thị trấn đã sử dụng các phần mềm công nghệ để scan trang sổ, hỗ trợ cho việc số hóa như phường Đồng Tâm của TP Yên Bái; xã Nậm Có của huyện Mù Cang Chải; xã An Thịnh, thị trấn Mậu A của huyện Văn Yên. Đồng thời, Sở Tư pháp Yên Bái sử dụng ứng dụng Utral view để hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” từ xa cho cán bộ tư pháp cấp cơ sở, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong nghiệp vụ.
Với việc 100% đơn vị cấp xã hoàn thành số hóa, huyện Trạm Tấu là huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái cán đích chương trình số hóa dữ liệu hộ tịch. Ngoài ra, tính đến tháng 10/2024 ghi nhận 3/9 đơn vị cấp huyện của tỉnh Yên Bái hoàn thành trên 90% số hóa dữ liệu hộ tịch là huyện Văn Yên, Mù Cang Chải và Lục Yên.
Công chức tư pháp xã Bản Công - huyện Trạm Tấu nhập dữ liệu hộ tịch lên hệ thống điện tử. Ảnh: CTV. |
Ông Vũ Xuân Đặng - Trưởng Phòng Tư pháp huyện Trạm Tấu - chia sẻ, so với các đơn vị khác Trạm Tấu ít dân nên dữ liệu cần số hóa không nhiều nên đó cũng là mặt thuận lợi. Tuy nhiên, bệnh đó do là huyện miền núi, địa hình chia cắt, hiểm trở, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt là hạ tầng viễn thông và hệ thống trang thiết bị hỗ trợ công tác số hóa còn nhiều hạn chế.
Để thực hiện nhiệm vụ, ở cấp huyện thành lập tổ công tác số hóa dữ liệu hộ tịch do Phó Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng, các thành viên trong tổ được phân công phụ trách từng xã. Trong khi đó, các xã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, tranh thủ lồng ghép ngày cuối tuần cùng dân để huy động nhân lực, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chung tay thực hiện số hóa dữ liệu. Đồng thời, tiến độ số hóa dữ liệu của các xã cũng là một trong những chỉ số đánh giá thi đua đã góp phần tạo ra sự quyết tâm hoàn thành mục tiêu trong tháng 9/2024 – Trưởng phòng Tư pháp Trạm Tấu chia sẻ kinh nghiệm.
Trao đổi với phóng viên, bà Lã Thị Liền – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái – cho hay, trong thời gian phát động cao điểm số hóa dữ liệu hộ tịch, tỉnh Yên Bái bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi). Song song với việc khắc phục hậu quả bão lũ thì cán bộ tư pháp hộ tịch cấp huyện, cấp xã với tinh thần vượt nắng thắng mưa, vẫn miệt mài, tranh thủ làm ngoài giờ kể cả thứ bảy, chủ nhật và ban đêm để hoàn thành nhiệm vụ. Rất nhiều xã vùng đặc biệt khó khăn đã hoàn thành sớm so với tiến độ.
Hàng tháng, Sở Tư pháp đều thống kê số liệu, có văn bản thông báo kết quả đến UBND cấp huyện, tạo động lực để các địa phương phấn đấu cao hơn nữa trong công tác số hóa dữ liệu hộ tịch – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Yên Bái cho biết thêm.