Huyện Yên Lạc dẫn đầu tỉnh Vĩnh Phúc về xây dựng nông thôn mới

(PLVN) - Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm bộ mặt nông thôn ở huyện Yên Lạc thay đổi và đã đạt được những kết quả khá tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn được nâng cao, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt.
Trường Mầm non xã Liên Châu khang trang và sạch đẹp

Theo báo cáo của Huyện ủy Yên Lạc, 9 tháng năm 2024, địa phương đã hoàn thành các chỉ tiêu về công tác xây dựng Đảng theo Quyết định số 1358 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giao chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị, với 218 đảng viên mới được kết nạp; 100% trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên; 2 tổ chức Đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể được thành lập…

Cùng với đó, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao. 9 tháng năm 2024, tổng giá trị sản xuất của Yên Lạc ước tăng 8.9%, trong đó, nông - lâm nghiệp, thủy sản tăng xấp xỉ 2%; công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng gần 10%; dịch vụ tăng 10,4%. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 470 tỷ đồng, tăng 84% so với dự toán tỉnh giao, tăng 71% dự toán HĐND huyện giao.

Các lĩnh vực văn hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển; chất lượng giáo dục luôn nằm trong top dẫn đầu tỉnh. Công tác quân sự, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, đến nay, Yên Lạc đã đáp ứng đủ các tiêu chí công nhận huyện nông thôn mới nâng cao. Đây cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc về đích chương trình này.

Lãnh đạo huyện Yên Lạc thông tin về chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, huy động và tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong Nhân dân, huyện Yên Lạc đã hoàn thành sớm nhất giai đoạn I của xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.

Theo thống kê của UBND huyện Yên Lạc, thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở thôn Thụ Ích, xã Liên Châu, các hộ dân đã hiến hơn 5.000m2 đất để mở rộng Khu thiết chế văn hóa -thể thao; đóng góp hơn 400 ngày công vệ sinh môi trường, chỉnh trang, đường làng, ngõ xóm.

Tại thôn Chi Chỉ, xã Đồng Cương, người dân đóng góp hơn 500 ngày công lao động, hơn 100 cây xanh, chỉnh trang nhà văn hóa thôn, làm đường hoa. Tại Làng văn hóa Man Để, thị trấn Tam Hồng, người dân hiến 5.660m2 quỹ đất nông nghiệp và hơn 500 ngày công lao động.

Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tạo được sự đồng thuận trong dân nên ngoài số tiền hỗ trợ 13 tỷ đồng/dự án từ ngân sách tỉnh, Nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện còn đóng góp hơn 9 tỷ đồng để xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, trong đó, thị trấn Tam Hồng vận động được 3,8 tỷ đồng; xã Đồng Cương vận động được hơn 2 tỷ đồng và xã Liên Châu vận động được 3,3 tỷ đồng.

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, các Khu thiết chế văn hóa - thể thao của các Làng văn hóa kiểu mẫu đều phát huy tốt hiệu quả và là các mô hình mẫu để nhân rộng. Tính đến nay, thôn Thụ Ích, xã Liên Châu hoàn thành 13/14 tiêu chí, với 57/58 chỉ tiêu; thôn Man Để, thị trấn Tam Hồng đã hoàn thành 13/14 tiêu chí, với 57/58 chỉ tiêu; thôn Chi Chỉ, xã Đồng Cương hoàn thành 11/14 tiêu chí, với 55/58 chỉ tiêu.

Để nâng cao và giữ vững các tiêu chí, chất lượng công trình, huyện đã phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nâng cao. Dù việc lớn hay nhỏ, người dân đều được tham gia góp ý, xây dựng, trên cơ sở đó gắn trách nhiệm với nguyên tắc lấy xã, thôn và từng hộ gia đình làm trung tâm trong chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.

Mỗi tiêu chí khi thực hiện đều được cấp ủy, chính quyền xã công khai để nhân dân được biết, được bàn và quyết định cách thức tiến hành, mức đóng góp, phân công người giám sát và lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới, do đó việc huy động đóng góp, xây dựng rất thuận lợi.

Đọc thêm